Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:

leftcenterrightdel
Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng. 

 

Báo BVPL phản ánh: Núp bóng bệnh nhân đang điều trị bệnh tâm thần, móc nối với một số cán bộ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, đối tượng Nguyễn Xuân Quý cầm đầu đường dây mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy ngay trong bệnh viện diễn ra trong một thời gian dài. Quý đã cải tạo, biến phòng điều trị thành một phòng “bay lắc” có cách âm, lắp dàn loa lớn, đèn laze để phục vụ việc sử dụng trái phép chất ma túy.

Ngoài ra, Quý còn cùng đàn em mời bạn bè, trong đó có cả cán bộ bệnh viện sử dụng ma túy ngay tại đây, tổ chức mua bán ma túy ngay tại bệnh viện. Những người đến mua ma túy thường giả danh là người nhà chăm sóc bệnh nhân để thực hiện các giao dịch mua bán ma túy.

Theo Điều 3 Luật Phòng chống ma túy năm 2000 quy định:

Điều 3

Nghiêm cấm các hành vi sau đây:

…          

2. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, mua bán, phân phối, giám định, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, nghiên cứu trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần;

3. Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý; xúi giục, cưỡng bức, lôi kéo, chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma tuý;

4. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất, sử dụng trái phép chất ma tuý;…”

Hành vi của các đối tượng nêu trên đã vi phạm quy định của pháp luật phòng chống ma túy. Cụ thể:

1. Đối với hành vi của Nguyễn Xuân Quý.

Theo thông tin từ Báo BVPL phản ánh thì Nguyễn Xuân Quý đang là bệnh nhân tâm thần điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Theo quy định Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, tại Điều 21 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định:

Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Theo đó, để được loại trừ trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi phải thỏa mãn điều kiện là đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Trong vụ việc này, Cảnh sát điều tra phải tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội để đánh giá khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của Nguyễn Xuân Quý.

Nếu có kết luận Quý thực hiện hiện hành vi khi đang mắc bệnh tâm thần và hoàn toàn không nhận thức, điều khiển được hành vi của mình thì sẽ được miễn trách nhiệm hình sự.

Nếu kết luận giám định pháp y tâm thần Quý thực hiện hành vi khi đã hoàn toàn khỏi bệnh tâm thần hoặc đang bị bệnh tâm thần nhưng vẫn còn khả năng nhận thức thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, hành vi mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị xử lý hình sự theo các quy định sau đây:

Tội mua bán trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 251 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức hình phạt cao nhất là tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 249 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 255 Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

2.  Đối với lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.

Đối với cán bộ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I trực tiếp cùng Nguyễn Xuân Quý thực hiện hành vi mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội danh đã nêu với vai trò là đồng phạm.

Trong trường hợp cán bộ bệnh viện không tham gia trực tiếp nhưng biết rõ Quý và đồng phạm thực hiện các hành vi phạm tội mà không tố cáo thì có thể bị xử lý về Tội không tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 với mức hình phạt cao nhất lên đến 03 năm tù.

Còn đối với lãnh đạo bệnh viện có hành vi buông lỏng quản lý, để hành vi phạm tội xảy ra trong bệnh viện của mình, xét về trách nhiệm hình sự chưa có quy định xử lý. Song có thể xem xét xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, cụ thể:

“Điều 6. Các hành vi bị xử lý kỷ luật

1. Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật”.

Và tùy theo mức độ, tính chất và hậu quả của hành vi gây ra có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP bằng các hình thức như khiển trách; cảnh cáo; giáng chức; buộc thôi việc.

 

PV