Trả lời:

Bồi thường thiệt hại được quy định như sau:

Điều 600. Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra

Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

- Người làm công: là người được thuê mướn theo hợp đồng hoặc theo thông lệ để làm các công việc thường có tính ổn định không cao, thường không có các đòi hỏi nhiều về tay nghề ở các cơ sở kinh doanh sản xuất ở quy mô nhỏ hoặc chỉ đơn giản là làm việc theo thời vụ. Người này vẫn chịu sự điều động và quản lý của chủ cơ sở hoặc người thuê mướn nhưng mức độ ràng buộc là lỏng lẻo hơn so với pháp nhân.

- Người học nghề: là người tham gia các chương trình đào tạo nghề nghiệp tại các cơ sở có chức năng dạy nghề hoặc chỉ đơn giản học nghề thông qua việc làm công hằng ngày. Trong quá trình học nghề người này phải chịu sự quản lý và điều động công việc có liên quan đến việc hình thành các kỹ năng nghề nghiệp.

- Người sử dụng người làm công: không phải là chủ thể có tư cách pháp nhân, trong trường hợp ngược lại thì áp dụng Điều 597 BLDS 2015. Đối với tổ chức dạy nghề có tư cách pháp nhân thì không áp dụng Điều 597 BLDS 2015.

- Người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì áp dụng điều 599 BLDS 2015.

Điều 597. Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra

Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Điều 599. Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý

1. Người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

2. Người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, pháp nhân khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

3. Trường học, bệnh viện, pháp nhân khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý; trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường.

- Có thiệt hại xảy ra trên thực tế: tài sản, tính mạng, sức khỏe.

- Có hành vi trái pháp luật: là hành vi xảy ra khi đang thực hiện công việc được người sử dụng người làm công giao cho hoặc được người dạy nghề yêu cầu thực hiện trong quá trình đào tạo nghề.

- Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với thiệt hại xảy ra.

- Lỗi: cố ý hoặc vô ý.

Như vậy, tập lái xe mà gây tai nạn thì chủ cơ sở đào tạo lái xe phải bồi thường.

Luật sư: Trần Văn  Kiệm