Liên tiếp các vụ tấn công lực lượng chức năng

Điển hình là vừa mới đây, tại địa bàn huyện Mê Linh, khoảng 22h10 ngày 21/8/2021, tại chốt kiểm soát số 3 xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, Tổ công tác làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 phát hiện 1 nam thanh niên điều khiển xe máy, bịt biển kiểm soát, có biểu hiện nghi vấn nên ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.

leftcenterrightdel
Cù Anh Đức, đối tượng dùng điếu cày tấn công lực lượng chức năng tại CQĐT. Ảnh: Công an Hà Nội 

Tuy nhiên, đối tượng không chấp hành hiệu lệnh mà tiếp tục điều khiển xe đâm vào Trung úy Lưu Trường Giang, cán bộ Công an huyện Mê Linh, rồi bỏ xe chạy trốn. Hậu quả, Trung úy Giang bị vỡ xương bánh chè chân trái và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Công an huyện Mê Linh đã khẩn trương tiến hành xác minh, làm rõ đối tượng vi phạm là Đặng Văn Tình (SN  2003, trú tại xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Tại cơ quan công an, Tình khai nhận, do biết có chốt kiểm dịch nhưng sợ bị phạt nên đã cố tình tắt đèn và đi với tốc độ cao, đâm vào cán bộ Tổ kiểm soát đang làm nhiệm vụ.

Trước đó, vào khoảng 20h ngày 19/8, Bùi Xuân Điệp (SN 2003, trú tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng) điều khiển xe máy, không biển kiểm soát, chở Cù Anh Đức (SN 2003, trú tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) từ thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng đến phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm để thăm bạn gái của Đức.

Đến 21h cùng ngày, Điệp chở Đức quay lại thị trấn Phùng thì thấy ven đường có 1 chiếc điếu cày, Đức xuống xe lấy chiếc điếu rồi bảo Điệp đi vào đường N6 thuộc xã Song Phương, huyện Đan Phượng tìm chỗ hút thuốc.

Khi đến chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại đường N6, các đối tượng thấy cán bộ trực chốt ra hiệu lệnh kiểm tra nên đã phóng xe vượt qua chốt. Ngay sau đó, cán bộ của chốt đã đuổi theo các đối tượng thì bị Đức cầm điếu cày vụt vào tay và mặt. Công an huyện Đan Phượng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hai đối tượng nói trên về tội Chống người thi hành công vụ.

Cũng với hành vi chống người thi hành công vụ, ngày 20/8, Công an quận Thanh Xuân cho biết đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Đặng Bình Minh (SN 1989; trú tại: số 14 ngách 97/12 Khương Trung, Khương Trung, Thanh Xuân) và Trần Anh Quân (SN 1987; trú tại số 23 ngách 211/1 Khương Trung, Khương Trung, Thanh Xuân).

Theo đó, khi bị phát hiện không đội mũ bảo hiểm, lực lượng chức năng đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra, đối tượng Minh không chấp hành mà tăng ga bỏ chạy. Khi thấy Đại úy Ngô Hải Phú, cán bộ Công an phường Khương Trung áp sát và yêu cầu dừng xe thì đối tượng Quân, ngồi sau xe, đã dùng tay kẹp cổ, khiến Đại úy Phú bị lôi theo xe và ngã đập vai phải xuống đường. Hậu quả, Trung úy Phú bị gãy phức tạp xương đòn phải… 

Hiện, cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ hành vi vi phạm của các đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Không chỉ ở Hà Nội mà tình trạng trên cũng xảy ra tại nhiều địa phương khác. Điều này cho thấy, sự thiếu ý thức về công tác phòng chống dịch của một số đối tượng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay.

Đối tượng có thể bị phạt tù lên đến 7 năm

leftcenterrightdel
Theo luật sư Nguyễn Văn Thưởng, hành vi tấn công người thi hành công vụ có thể bị  xử phạt lên tới 7 năm tù. 

Theo Luật sư Nguyễn Văn Thưởng, Giám đốc chi nhánh Hà Nội - Công ty Luật TPLaw, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, quy định pháp luật về người thi hành công vụ đã được nêu rõ. Căn cứ khoản 1, Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ, người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

“Tại khoản 2, Điều 3 Nghị định này  quy định, hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao”, Luật sư Nguyễn Văn Thưởng thông tin.

Căn cứ quy định nêu trên, Luật sư Thưởng cho biết, tuỳ vào tính chất, mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, về xử phạt hành chính, những cá nhân có hành vi dùng vũ lực cản trở người thi hành công vụ trong phòng chống dịch COVID -19 sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2, 3 của Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ.

Theo đó, đối với cá nhân có hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; có lời nói, hành động đe doạ, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng.

Trường hợp, cá nhân có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ hoặc gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ phòng, chống dịch bệnh COVID -19 mà chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ bị phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.

Về xử lý hình sự, nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội “Chống người thi hành công vụ” được quy định tại Điều 330, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể:

“Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

“Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản 50 triệu đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm”.

Luật sư Nguyễn Văn Thưởng khuyến cáo, người dân cần tuân thủ tuyệt đối các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19 của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật để đảm bảo công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao nhất.

Văn Thanh