Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội có ý kiến như sau:

leftcenterrightdel
 Luật sư Trần Đức Thắng.

Môi giới hối lộ là hành vi của một người làm trung gian giữa người nhận hối lộ và người đưa hối lội theo yêu cầu của một trong hai bên hoặc của cả hai bên.

Tại Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định:

“Điều 2. Các hành vi tham nhũng

1. Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:

[…]

h) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;

[…]

2. Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:

a) Tham ô tài sản;

b) Nhận hối lộ;

c) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.”

Theo đó, hành vi môi giới hối lộ còn là hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện. Pháp luật có những chế tài quy định về các hình thức xử phạt đối với hành vi “môi giới hối lộ” cụ thể như sau:

1. Xử lý kỷ luật

Căn cứ khoản 4 Điều 8, khoản 5 Điều 16, khoản 2 Điều 30, khoản 2 Điều 37 Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức quy định:

Điều 8. Áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với cán bộ, công chức

Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

[...]

4. Vi phạm quy định của pháp luật về: Phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

[...]

Điều 16. Áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với viên chức

Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định này, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

[...]

5. Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

[...]

Điều 30. Quyết định kỷ luật công chức

[...]

2. Trường hợp công chức có hành vi vi phạm bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

[...]

Điều 37. Quyết định kỷ luật viên chức

[...]

2. Trường hợp viên chức có hành vi vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

Như vậy, Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị áp dụng thức thức kỷ luật khiển trách. Trường hợp công chức, viên chức bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

2. Xử vi phạm hành chính

Theo điểm d khoản 3, Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định:

Điều 9. Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú

[..]

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

d) Đưa, môi giới, nhận hối lộ trong việc đăng ký, quản lý cư trú”.

Theo đó, trong việc đăng ký, quản lý cư trú người nào có hành vi môi giới hối lộ sẽ bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.

3. Xử lý hình sự

Điều 365 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:

Điều 365. Tội môi giới hối lộ

1. Người nào môi giới hối lộ mà của hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Biết của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

e) Phạm tội 02 lần trở lên;

g) Của hối lộ trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc trường hợp của hối lộ trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội thuộc trường hợp của hối lộ trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

6. Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

7. Người nào môi giới hối lộ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.

Như vậy, người nào thực hiện hành vi môi giới hối lộ, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt phạt tiền thấp nhất từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 15 năm tùy theo tính chất mức độ vi phạm của tội phạm.

 

 

Hương My (T/h)