Theo công bố của UBND TP Hà Nội tại cuộc họp khẩn đêm 6/3, bệnh nhân nhiễm dịch bệnh Covid-19 thứ 17 tại Việt Nam và là ca đầu tiên tại Hà Nội là N.H.N (26 tuổi, ở phố Trúc Bạch, quận Ba Đình).

Sau khi Hà Nội công bố ca nhiễm thứ 17 này, liên tiếp các ca nhiễm từ đây đã được phát hiện và kéo theo đó là hàng trăm người phải cách ly. Cũng từ đây, dư luận chỉ trích thậm tệ N.H.N vô ý thức đã gây ra hậu quả lớn, phải xử thật nặng.

leftcenterrightdel
 Bệnh nhân N.H.N

 Theo bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị, ca thứ 17 không phải là ca "siêu lây nhiễm". Cô gái này đi thăm người thân ở Anh từ ngày 16/2 rồi từ Anh sang vùng dịch ở Ý ngày 18/2 để du lịch. Sau đó cô gái về lại Anh và ngày 2/3 trở về Việt Nam. Sau khi có biểu hiện sốt, mệt mỏi, N. đã tới Bệnh viện Hồng Ngọc thăm khám vào ngày 5/3 và được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Từ lịch trình qua nhiều nước của N thấy được rất nhiều người có thể mang mầm bệnh. Tuy nhiên, điều đáng nói là N. có biểu hiện bệnh ngay từ bên nước ngoài mà không chịu khai báo y tế. Nếu N. khai báo y tế và cách ly từ đầu thì số người bị ảnh hưởng sẽ ít hơn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bác sĩ Khiêm khuyên mọi người bình tĩnh, tránh hoảng hốt, không tập trung nơi đông người, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng; Tránh cầm nắm, tiếp xúc các vật dụng công cộng, rửa tay thường xuyên, sử dụng các dung dịch sát trùng, mũi họng...

 Truy cứu trách nhiệm hình sự người khai báo gian dối

 Liên quan đến ca thứ 17 dương tính với Covid-19, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Biện pháp hành chính bắt buộc có thể áp dụng để hạn chế quyền công dân trong trường hợp nhiễm bệnh dịch là cách ly y tế.

Có thể thấy nếu bệnh nhân N.H.N đã từng tiếp xúc với người mắc bệnh Covid-19 và có biểu hiện của bệnh lý thì bắt buộc phải khai báo y tế và thực hiện thủ tục cách ly theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, N. đã không khai báo y tế về việc mình có biểu hiện bệnh lý mệt mỏi, khó thở, ho... và đã từng tiếp xúc với người đang mắc bệnh nên không bị cách ly tập trung.

Chính việc khai báo không trung thực hoặc không khai báo đã khiến N. lọt khỏi vùng kiểm soát và trở về nhà. Nếu tại thời điểm N nhập cảnh vào Việt Nam, những khu vực N đi qua chưa bị công bố tình trạng dịch bệnh thì sẽ không thuộc trường hợp bắt buộc phải khai báo y tế.

Tuy nhiên, N có biểu hiện bệnh lý hoặc đã từng tiếp xúc với người mắc bệnh Covid-19 thì phải khai báo và kiểm tra y tế, đồng thời bị bắt buộc cách ly tập trung theo quy định. Nhưng N.H.N không trung thực nên cơ quan chức năng tại Nội Bài không có lỗi trong việc bỏ lọt N.

leftcenterrightdel
 Luật sư Đặng Văn Cường.

Đến nay, Ban chỉ đạo phòng chống bệnh dịch Quốc gia đã yêu cầu khai báo y tế đối với tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam. Kể từ thời điểm này, ai khai báo gian dối, sai sự thật phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân N.H.N đã gây hậu quả nghiêm trọng là làm nhiều người khác nhiễm bệnh. Bởi vậy cơ quan chức năng cũng cần xem xét trách nhiệm pháp lý của N, có thể xử phạt hành chính hoặc xem xét trách nhiệm hình sự. Nếu những người bị nhiễm bệnh có yêu cầu bồi thường thì có thể N phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại điểm c, khoản 3, điều 12, Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi “Che giấu hoặc xóa bỏ hiện trạng phải kiểm dịch y tế” sẽ bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; Ngoài ra sẽ bị áp dụng biện pháp hành chính là cưỡng chế cách ly theo quy định của pháp luật.

Bởi vậy, hành vi che giấu tình trạng sức khỏe đến mức phải thực hiện kiểm dịch y tế biên giới cửa khẩu hàng không, che giấu thông tin về việc đã từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh và hành vi vi phạm pháp luật có thể xử phạt đến 10.000.000 đồng; Vì vậy, bệnh nhân N.H.N ít nhất sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật sau khi đã điều trị khỏi bệnh.

Trong trường hợp khỏi bệnh thì N .vẫn phải chịu các chế tài của pháp luật, trong đó có cả nguy cơ bị xem xét trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với những người mà người này đã gây ra thiệt hại đến sức khỏe, tài sản, tính mạng của họ.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy N.H.N nhận thức được mình có thể nhiễm bệnh nhưng cố tình trốn tránh việc khai báo y tế, kiểm tra xử lý y tế dẫn đến việc gây bệnh cho người khác thì N. còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015, với mức hình phạt có thể lên đến 12 năm tù. Cụ thể, tội danh và hình phạt được quy định như sau: Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Cơ quan chức năng sẽ tích cực điều trị, chữa trị cho bệnh nhân và sau khi bệnh nhân này khỏi bệnh thì sẽ xác minh làm rõ hành vi, làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan và làm rõ hậu quả của việc trốn tránh kiểm dịch ý tế biên giới, để xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự đối với người phụ nữ này theo quy định của pháp luật nêu trên.

Còn trường hợp, những ca bị người này lây bệnh bị tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản và có căn cứ rõ ràng cho thấy người phụ nữ này đã có lỗi dẫn đến những thiệt hại đó thì những người bị nhiễm bệnh, lây bệnh từ người phụ nữ này hoàn toàn có quyền yêu cầu người này phải bồi thường thiệt hại, theo quy định của pháp luật Việt Nam về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

 

 

Lưu Ly