Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Chung – thuộc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:
1. Thế nào là hành vi “biến thái”?
Trước hết, hành vi “biến thái” trong bài viết này được hiểu là hành vi có tính chất tình dục gây tâm lý hoang mang, lo sợ, khó chịu và ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm, thân thể của người khác. Hành vi “biến thái” thường được thể hiện ở nhiều dạng khác nhau, như:
- Dạng hành vi: Vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo,…các bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người khác nhưng không nhằm giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác.
- Dạng lời nói: Những lời nói khiếm nhã có ngụ ý về tình dục,....
- Dạng phi lời nói: Thể hiện dưới dạng ngôn ngữ cơ thể không đúng đắn, phô bày tài liệu khiêu dâm,...
|
|
Luật sư Nguyễn Thị Thúy Chung |
2. Người thực hiện hành vi biến thái sẽ bị xử lý như thế nào?
Xử lý vi phạm hành chính:
Người thực hiện hành vi “biến thái” là do cố ý. Do đó, người từ đủ 14 tuổi trở lên (“Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính”- Điểm a Khoản 1 Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012) thực hiện hành vi “biến thái” đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 5 nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:
“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;”
Với mức xử phạt này như hiện nay, nhiều người cho rằng mức phạt này chưa thỏa đáng, chưa hợp lý và thiếu sức răn đe. Tuy nhiên, Bộ Công an đã có dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, thay thế Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Trong đó, đề xuất mức xử phạt đối với hành vi sàm sỡ người khác như sau:
"Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
...
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 19 Nghị định này;
...
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
...
c) Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi mà không thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Sàm sỡ, quấy rối tình dục;
đ) Khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng;..."
Xử lý hình sự:
1. Xử lý hình sự về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi
Người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện hành vi “biến thái” như trên đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 146 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 (Sau đây gọi tắt là BLHS 2015) như sau:
“Điều 146. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
2. Xử lý hình sự về tội Làm nhục người khác:
Theo quy định tại Điều 9 BLHS 2015 về phân loại tội phạm thì Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 BLHS 2015 thuộc loại tội phạm nghiêm trọng. Do đó, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này nếu thực hiện hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Như vậy, nếu người từ đủ 16 tuổi trở lên thực hiện hành vi “biến thái” như trên đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 BLHS 2015 như sau:
“Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”