Trao đổi với Báo Bảo vệ pháp luật về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Trần Đường - thuộc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến:

leftcenterrightdel
Luật sư Nguyễn Trần Đường – Công ty Luật THNH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
 

Hiện nay, bệnh COVID-19 đã được bổ sung vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A tại Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg ngày 26/02/2020. COVID-19 cũng đã được Bộ Y tế xác định đường lây truyền của dịch bệnh là đường hô hấp và nguy cơ lây truyền ở mức độ cao.

Điểm c Khoản 1 Điều 52 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định về các biện pháp chống dịch trong thời gian có dịch như sau:

“Điều 52. Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch

1. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chống dịch sau đây:

....

c) Hạn chế tập trung đông người....”

Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 31/03/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch covid-19. Văn phòng Chính phủ có văn bản số 2601/VPCP-KGVX ngày 03/4/2020 về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về phòng, chống dịch COVID-19 trong đó có yêu cầu: “…không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m”.

Những trường hợp tụ tập nhiều người để ăn nhậu là vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh.

Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Cụ thể như sau:

“4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

……

c) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người ….”

Nếu người vi phạm là công chức thì còn có thể bị xem xét xử lý kỷ luật theo nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức, riêng công chức cấp xã thì bị xem xét xử lý kỷ luật theo nghị định số 112/2011/NĐ-CP về công chức xã, phường, thị trấn. Theo đó, tùy tính chất, mức độ vi phạm và người vi phạm có giữ chức vụ quản lý hay không mà người vi phạm có thể bị áp dụng các hình thức kỷ luật sau theo nguyên tắc xử lý kỷ luật:  Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.

Nếu người vi phạm là viên chức thì còn có thể bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định tại nghị định số 27/2012/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức. Theo đó, tùy tính chất, mức độ vi phạm và người vi phạm có giữ chức vụ quản lý hay không để áp dụng các hình thức kỷ luật sau theo nguyên tắc xử lý kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc.

Nếu người vi phạm là cán bộ thì còn có thể bị xem xét xử lý kỷ luật theo Nghị định 35/2005/NĐ-CP về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức. Theo đó, tùy tính chất, mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể bị áp dụng các hình thức kỷ luật sau theo nguyên tắc xử lý kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc.

Nếu việc tổ chức ăn nhậu, không chấp hành biện pháp hạn chế tập trung đông người dẫn đến phát tán, lây lan dịch bệnh, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (phát sinh người nhiễm bệnh hoặc phát sinh chi phí của xã hội để cách ly y tế, chữa trị,…), người vi phạm sẽ bị xem xét xử lý hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240; Tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo Điều 295; Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngoài bị xử lý như trên, nếu cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên thì còn có thể bị tổ chức Đảng xem xét xử lý kỷ luật theo Quy định số 102-QĐ/TW xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm về hành vi thiếu trách nhiệm trong việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Theo đó, tùy tính chất, mức độ vi phạm mà Đảng viên vi phạm có thể bị áp dụng các hình thức kỷ luật sau theo nguyên tắc xử lý kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.

 

Hương My