Trước đó, ngày 25/9, Tổ tuần tra thuộc Đội CSGT-TT, Công an thị xã Vĩnh Châu (gồm 5 người), phát hiện một thanh niên điều khiển xe môtô nhãn hiệu Exciter 150cm3 chở theo một thanh niên chạy ngược chiều nghi vấn họ sử dụng rượu bia và chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện phân khối lớn tham gia giao thông nên đã ra tín hiệu dừng phương tiện để kiểm tra.

leftcenterrightdel
 Ảnh cắt từ clip.

Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện không chấp hành mà còn tăng ga bỏ chạy với tốc độ cao, chèn ép xe của Tổ tuần tra, lạng lách, đánh võng trên đoạn đường gần 30km. Khi đến địa bàn thuộc ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, Tổ tuần tra mới dừng được phương tiện. Một số chiến sĩ thuộc Tổ tuần tra không kiềm chế được nóng giận, đã có hành vi sử dụng bạo lực với 2 thanh niên.

Ngày 30/9, Công an tỉnh Sóc Trăng đã thống nhất kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu công an nhân dân 3 cán bộ chiến sĩ, 2 người còn lại cũng bị xử lý nghiêm.

Trước vụ việc trên, bạn Đức Việt (Bắc Ninh) có hỏi, theo quy định, khi nào Công an được dùng vũ lực, vũ khí, công cụ hỗ trợ để trấn áp người vi phạm?

Để hiểu rõ thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Trọng Hiền - Đoàn luật sư TP Hà Nội.

leftcenterrightdel
 Luật sư Lê Trọng Hiền - Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Theo khoản 5, Điều 14 Nghị định 208/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.

Trong đó, súng bắn điện, súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, phương tiện xịt hơi cay, chất gây mê, chất gây ngứa... là công cụ hỗ trợ.

Việc nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Ngoài quy định này, các văn bản quy phạm pháp luật khác không cho phép Công an sử dụng vũ lực đối với người vi phạm.

Người đang thi hành công vụ chỉ được thực hiện các hành vi giáo dục tuyên truyền, giải thích pháp luật cho người vi phạm hiểu ra lỗi của họ. 

“Đối với việc 3 cán bộ Công an không kiềm chế được nên đã có hành vi vượt quá chuẩn mực như dùng tay, chân, gậy, mũ bảo hiểm đánh 2 thanh niên là hành vi dùng vũ lực xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác. Đây là hành vi trái pháp luật trừ một số trường hợp đánh người trong trường hợp “phòng vệ chính đáng” hoặc “tình thế cấp thiết”. Tùy vào động cơ, mục đích, hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự”. Luật sư Lê Trọng Hiền cho biết thêm.

Như vậy, hiện tại không có quy định nào cho phép CSGT được đánh người tham gia giao thông, ngay cả khi người tham gia giao thông có vi phạm luật giao thông đường bộ. Trường hợp người vi phạm chống đối thì CSGT có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn; đảm bảo cho việc xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, Luật sư Lê Trọng Hiền cho biết, cần xem xét trách nhiệm 2 thanh niên đi xe máy để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Mạnh Hải (Th/h)