Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lâm Đồng đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng đối với H.N.M (SN 1999), tạm trú phường 4, TP Đà Lạt, chủ tài khoản TikTok “H.M” về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân.
Ông M. là người từng gây dậy sóng trong dư luận, cộng đồng mạng với clip xúc phạm người miền Trung “keo kiệt, bủn xỉn”, “không có tinh thần, cống hiến cho xã hội” vào hồi đầu tháng 8/2022 vừa qua.
|
|
Công an tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt vi phạm hành chính chủ tài khoản TikTok “H.M”. (Ảnh: Khắc Lịch). |
Giải đáp về việc xử lí hành vi “xúc phạm, miệt thị dân tộc, vùng miền”, luật sư Lê Trọng Hiền, Công ty Luật TNHH ATN & Cộng sự (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết:
“Việc dùng lời nói, hình ảnh mỉa mai phân biệt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tập thể, sẽ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác, căn cứ Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung, nhẹ thì bị phạt cảnh cáo, nặng thì phạt tiền lên đến 30.000.000 đồng hoặc mức phạt tù cao nhất có thể lên đến 5 năm tùy vào mức độ, hành vi vi phạm. Ngoài ra người phạm tội có thể chịu các hình phạt bổ sung”.
|
|
Luật sư Lê Trọng Hiền - Công ty Luật TNHH ATN & Cộng sự (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội). |
Luật sư Lê Trọng Hiền cho biết thêm, tại Điều 116 Bộ luật Hình sự về tội "Phá hoại chính sách đoàn kết”, điểm b khoản 1 có quy định: “Những hành vi gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam thì có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm”.
Ngoài ra, theo khoản 2 điều 5 Hiến pháp năm 2013: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”.
Bộ luật Lao động 2019 cũng nghiêm cấm hành vi phân biệt, đối xử trong lao động, trong tuyển dụng, quản lý lao động với mức phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.
Điều này cũng dẫn đến việc gây hiểu lầm về văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc thiểu số của Việt Nam.
Như vậy, phân biệt vùng miền về cơ bản là hành vi không chỉ vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội và còn thể hiện trình độ dân trí thấp, khả năng nhận thức không cao.