Vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:

leftcenterrightdel
 Luật sư Trần Đức Thắng.

 

 1.      Cơ quan công quyền là gì?

“Công” là thuật ngữ nhằm biểu thị khái niệm chung, tất cả, là một vấn đề nào đó được sử dụng cho toàn thể người dân, không loại trừ bất kỳ chủ thể nào.

“Quyền” là từ chỉ quyền lực của một hệ thống chính trị của một quốc gia. Đây là yếu tố gắn liền với một quốc gia mà không thể tách rời, mục đích nhằm đảm bảo cho các hoạt động trong đời sống được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và có một hệ thống chính trị đảm bảo những điều đó.

Tại khoản 3 Điều 2 Hiến pháp 2013 quy định:

“Điều 2. 

1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

3. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.”

      Như vậy, cơ quan công quyền là thuật ngữ biểu thị cho các cơ quan quyền lực Nhà nước. Các cơ quan quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Theo đó, hành vi sử dụng tên của các cơ quan công quyền để lập tài khoản facebook hoặc các trang mạng xã hội khác khi chưa được sự đồng ý của các cơ quan này là hành vi vi phạm pháp luật về “Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức”. Tùy theo tính chất, mức độ mà cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định.

2.      Xử phạt vi phạm hành chính về hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác

Căn cứ tại điểm d khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định:

“Điều 99. Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp không đầy đủ hoặc không chính xác thông tin về tên của tổ chức quản lý trang thông tin điện tử, tên cơ quan chủ quản (nếu có), địa chỉ liên lạc, thư điện tử, số điện thoại liên hệ, tên người chịu trách nhiệm quản lý nội dung trên trang chủ của trang thông tin điện tử.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung vi phạm quy định của pháp luật;

b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;

b) Đăng, phát, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia;

c) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

d) Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác;

đ) Đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc không được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này;

b) Buộc thu hồi hoặc buộc hoàn trả tên miền do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này.

Như vậy, hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm. Biện pháp khắc phụ hậu quả buộc gỡ bỏ đường link dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật, buộc thu hồi hoặc buộc hoàn trả tên miền do thực hiện hành vi vi phạm quy định. Ngoài ra, hành vi cung cấp không đầy đủ hoặc không chính xác thông tin về tên của tổ chức quản lý trang thông tin điện tử, tên cơ quan chủ quản sẽ bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định.

3.      Xử lý hình sự về hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác

Bên cạnh quy định về xử phạt vi phạm hành chính về hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác thì việc các đối tượng có hành vi sử dụng tên của các cơ quan công quyền để lập tài khoản facebook hoặc các trang mạng xã hội nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý hình sự về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể:

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Như vậy, hành vi sử dụng tên của các cơ quan công quyền để lập tài khoản facebook hoặc các trang mạng xã hội nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của hành vi sẽ bị xử lý hình sự với mức xử phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân theo quy định.

 

 

Hương My (T/h)