Theo dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được Quốc hội công bố trước đó, căn cứ tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật nhà nước được phân loại thành 03 độ mật, bao gồm: Tuyệt mật, Tối mật và Mật. Việc lập danh mục bí mật nhà nước, xác định bí mật nhà nước, độ mật của bí mật nhà nước và giải mật được quy định chi tiết trong dự thảo Luật này.

Người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước

Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước bao gồm:

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ lập danh mục bí mật nhà nước của ngành, lĩnh vực quản lý;

Chánh Văn phòng Trung ương Đảng lập danh mục bí mật nhà nước của Đảng;

Người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội lập danh mục bí mật nhà nước của tổ chức chính trị - xã hội; 

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lập danh mục bí mật nhà nước của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội;

Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước lập danh mục bí mật nhà nước của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước; 

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán nhà nước lập danh mục bí mật nhà nước của ngành, lĩnh vực quản lý.

Người lập danh mục bí mật nhà nước được nêu bên trên (trừ Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Bộ Công an để thẩm định trước khi Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Hồ sơ gửi Bộ Công an gồm: Văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ; dự thảo quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước; báo cáo tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bản sao ý kiến tham gia.

Văn bản thẩm định của Bộ Công an phải gửi đến người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước chậm nhất 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý.

Xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước

Việc xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước phải căn cứ danh mục bí mật nhà nước và quy định của Chính phủ về Điều này.

Cụ thể, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xác định bí mật nhà nước, độ mật, phạm vi lưu hành, được phép hoặc không được phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.

Trường hợp sử dụng bí mật nhà nước của các cơ quan, tổ chức khác thì phải xác định độ mật tương ứng. 

Trường hợp thông tin trong cùng một tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước thuộc danh mục bí mật nhà nước có độ mật khác nhau thì xác định theo độ mật cao nhất.

Độ mật của bí mật nhà nước được thể hiện bằng dấu chỉ độ mật, văn bản xác định độ mật hoặc hình thức khác phù hợp với hình thức chứa bí mật nhà nước.

Giải mật bí mật nhà nước

Bí mật nhà nước được giải mật toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp:

- Trường hợp hết thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định (30 năm đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật; 20 năm đối với bí mật nhà nước độ Tối mật; 10 năm đối với bí mật nhà nước độ Mật) hoặc hết thời hạn mà không được gia hạn tiếp. Ngoài ra, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước về sự kiện, hoạt động có thể ngắn hơn thời hạn quy định nêu trên và được xác định cụ thể tại tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước khi xác định độ mật. 

- Trường hợp bí mật không còn thuộc danh mục bí mật nhà nước, người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định độ mật của bí mật nhà nước phải đóng dấu giải mật, có văn bản hoặc dấu hiệu khác xác định đã giải mật và thông báo ngay bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức có liên quan.  

- Trường hợp bí mật nhà nước đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; phát triển kinh tế - xã hội; hội nhập, hợp tác quốc tế cần được giải mật thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định độ mật của bí mật nhà nước có thẩm quyền thành lập Hội đồng giải mật và quyết định giải mật.

Hội đồng giải mật gồm: Đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức xác định độ mật của bí mật nhà nước làm chủ tịch Hội đồng và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan.

Hồ sơ giải mật gồm: Quyết định thành lập Hội đồng giải mật; bí mật nhà nước đề nghị giải mật; bản thuyết minh về việc giải mật; biên bản họp Hội đồng giải mật; các tài liệu liên quan và quyết định giải mật.

Bí mật nhà nước sau khi giải mật phải đóng dấu, có văn bản hoặc hình thức khác xác định đã giải mật; đối với trường hợp giải mật một phần thì quyết định giải mật phải thể hiện đầy đủ nội dung thông tin giải mật. Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày có quyết định giải mật, cơ quan, tổ chức quyết định giải mật phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Trường hợp bí mật nhà nước do cơ quan lưu trữ lịch sử quản lý, nếu không xác định được cơ quan xác định độ mật của bí mật nhà nước thì cơ quan lưu trữ lịch sử quyết định việc giải mật theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

PĐT