Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:

leftcenterrightdel
Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng. 
Theo Luật sư Trần Đức Thắng, hành vi cố ý lao thẳng ô tô vào chiến sĩ cảnh sát cơ động là hành vi coi thường pháp luật, xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính, đồng thời đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ. Đối tượng hoàn toàn có thể nhận thức được rằng, việc lao thẳng ô tô 16 chỗ như trên vào các chiến sĩ cảnh sát là hành vi nguy hiểm, có thể tước đoạt đi mạng sống của người khác nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi đến cùng. Mặt khác, khi biết chiến sĩ cảnh sát đang bám vào cần gạt nước của xe nhưng đối tượng vẫn tiếp tục điều khiển xe phóng nhanh, lạng lách cho tới khi chiến sĩ cảnh sát ngã xuống. Hành vi thể hiện ý chí bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra.

Như vậy, với việc hoàn toàn nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi có thể gây chết người nhưng đối tượng vẫn cố ý thực hiện hành vi đến cùng, hậu quả là chiến sĩ cảnh sát đã hy sinh trong khi thi hành công vụ thì đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giết người theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể như sau:

“Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, hành vi của đối tượng trên sẽ phải đối diện với hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài trách nhiệm hình sự, đối tượng còn phải chịu trách nhiệm dân sự về Bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:

“Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Hương My