Bước đầu Hải khai nhận, do cần tiền tiêu xài nên đã ngắm đến tiệm vàng Sông Giang ở gần nhà gây án. Khoảng 23h30 đêm 26/6, Hải mặc áo sơ mi trắng đến tiệm vàng Sông Giang (số 99 Mễ Trì Thượng) vờ là khách mua rồi lợi dụng sơ hở cướp vàng bỏ chạy.
Trong quá trình bỏ chạy, Hải đã đâm trọng thương 1 người dân. Đồng phạm trong vụ án này còn có bạn gái của Hải tham gia giúp sức.
|
|
Tiệm vàng bạc Sông Giang. |
Liên quan vụ việc, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi phạm tội của nghi phạm rất táo tợn, liều lĩnh, coi thường pháp luật; Xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ và xâm phạm đến tính mạng của người khác khi tham gia truy đuổi.
Xét hành vi phạm tội của nghi phạm dùng thủ đoạn vờ hỏi mua 1,1 lượng vàng rồi lợi dụng sơ hở vơ số vàng bỏ chạy đã cấu thành tội Cướp giật tài sản. Kết quả định giá tài sản 1,1 lượng vàng nếu dưới 50 triệu đồng, nghi phạm phải chịu trách nhiệm theo Khoản 1 Điều 171 Bộ luật Hình sự.
Trong quá trình bỏ chạy, nghi phạm đã bị một thanh niên 22 tuổi truy đuổi và sử dụng hung khí dao bầu mang theo đâm trọng thương nạn nhân, để bỏ chạy thoát khỏi sự bắt giữ trong trường hợp phạm tội quả tang. Pháp luật buộc công dân phải nhận thức được hành vi dùng hung khí nguy hiểm đâm trực tiếp vào vùng trọng yếu trên cơ thể người khác là nguy hiểm đến tính mạng. Nạn nhân không tử vong do được cấp cứu kịp thời thì nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm về tội Giết người theo điểm n, khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự trong trường hợp phạm tội chưa đạt.
Trong cùng một thời điểm, nghi phạm đã phạm đến 2 khách thể Bộ luật Hình sự điều chỉnh là quyền sở hữu tài sản và tính mạng con người. Trong đó, tính mạng con người là điều quan trọng nhất nên cần thiết phải xử lý nghiêm mới có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm.
|
|
Cảnh sát dẫn giải Hải đến hiện trường. |
Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, nếu có căn cứ xác định, người yêu Hải đã cùng bàn bạc, thống nhất ý chí để cho nghi phạm thực hiện hành vi phạm tội vào cửa hàng vàng vờ mua rồi bỏ chạythì sẽ phải chịu trách nhiệm đồng phạm về tội Cướp giật tài sản theo Điều 171 Bộ luật Hình sự.
Đối với việc thanh niên 22 tuổi tham gia truy đuổi nghi phạm phạm tội quả tang cướp giật tài sản là rất đáng biểu dương và cần thiết phải được khen thưởng trong công tác toàn dân tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm trên địa bàn Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên, qua sự việc thanh niên 22 tuổi này bị nghi phạm đâm trọng thương, Luật sư Anh Thơm khuyến cáo người dân cũng phải rất thận trọng khi truy đuổi đối tượng phạm tội, đặc biệt khi chúng đang hung khí trong tay sẽ điên cuồng chống trả lại bằng mọi cách. Người dân cần thông báo ngay cho cơ quan Pháp luật hoặc ghi nhớ các đặc điểm đối tượng, hướng di chuyển, kết hợp với mọi người dân khác tham gia truy đuổi để tránh việc bị đối tượng gây sát thương cho những người truy đuổi.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 2 người trở lên
b) Giết người dưới 16 tuổi
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê
n) Có tính chất côn đồ
o) Có tổ chức
p) Tái phạm nguy hiểm
q) Vì động cơ đê hèn
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.
Điều 171. Tội cướp giật tài sản
1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức
b) Có tính chất chuyên nghiệp
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm
đ) Hành hung để tẩu thoát
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%
g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội
i) Tái phạm nguy hiểm
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên
c) Làm chết người
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
|