Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – thuộc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:

leftcenterrightdel
Luật sư Trần Đức Thắng – Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội. 

Theo Báo BVPL phản ánh, Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hà Nội đã phối hợp với CAQ Đống Đa và Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an bắt giữ hai nghi can gây ra vụ cướp táo tợn tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Ngọc Khánh, ở số 27 phố Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội. Hai đối tượng này đã sử dụng khẩu súng tự chế, dạng súng bắn đạn thể thao lên trần nhà uy hiếp mọi người để chiếm đoạt số tiền 942 triệu đồng. Sau đó, cả 2 đối tượng còn sử dụng súng đe dọa người dân nhằm chiếm đoạt chiếc xe máy Dream để tẩu thoát.

Hành vi sử dụng vũ khí tự chế, nguy hiểm để khống chế người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của hai đối tượng nêu trên đã cấu thành tội Cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể:

“Điều 168. Tội cướp tài sản

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, trường hợp các đối tượng sử dụng vũ khí tự chế, nguy hiểm để uy hiếp, khống chế nhân viên ngân hàng và người dân nhằm chiếm đoạt số tiền lên đến 942 triệu đồng và 01 chiếc xe máy Dream sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cướp tài sản theo điểm a khoản 4 Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với hình phạt lên đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các quy định trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ngoài ra, việc hai đối tượng sử dụng khẩu súng tự chế có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” với mức hình phạt tù từ 01 năm đến 07 năm theo quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

 

 

Hương My