Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:

leftcenterrightdel
Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Theo báo BVPL phản ánh: Thời gian vừa qua, trên địa bàn TP Đà Nẵng xuất hiện một số cá nhân giới thiệu là thành viên của tổ chức Lion Group (còn có tên gọi khác là Lion Team, Lion Community) kêu gọi, lôi kéo người dân tham gia đầu tư tài chính vào lĩnh vực ngoại hối thông qua sàn giao dịch điện tử Fx trading markets. Ngoài ra, người tham gia có thể tăng thêm thu nhập thông qua việc mời được nhiều người tham gia, phát triển mạng lưới của riêng mình. Cụ thể, thu nhập của người tham gia sẽ tỉ lệ thuận với cấp bậc của bản thân, lượng thành viên kêu gọi tham gia Lion Group và số tiền giao dịch trong mạng lưới. Tổng cộng có năm cấp bậc (từ  Level 0 đến Level 4).

Theo Điều 4 Thông tư 21/2014/TT-NHNN thì một trong những điều kiện để các tổ chức tín dụng được hoạt động ngoại hối là phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản cho phép thực hiện. Cụ thể:

“Điều 4. Nguyên tắc hoạt động ngoại hối

1. Đối với hoạt động ngoại hối cơ bản:

a) Sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước) chấp thuận dưới hình thức cấp mới/cấp đổi Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc cấp Quyết định sửa đổi, bổ sung Giấy phép trong đó có nội dung kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường trong nước và/hoặc trên thị trường quốc tế trong phạm vi do Ngân hàng Nhà nước quy định, ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính bao thanh toán, công ty tài chính tín dụng tiêu dùng, công ty cho thuê tài chính, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện toàn bộ hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường trong nước và/hoặc trên thị trường quốc tế trong phạm vi quy định tại Thông tư này;

2. Đối với hoạt động ngoại hối khác:

a) Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản cho phép thực hiện có thời hạn đối với từng sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm cụ thể (gọi tắt là văn bản chấp thuận có thời hạn), tổ chức tín dụng được phép được thực hiện các hoạt động ngoại hối khác trên thị trường trong nước, thị trường quốc tế;

…”

Do đó, cá nhân, tổ chức hoạt động ngoại hối mà không đủ điều kiện theo pháp luật quy định thì tùy tính chất của hành vi có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

1.      Xử lý hành chính

Theo Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm hoạt động ngoại hối khi không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị tước hoặc không đúng nội dung đã quy định trong giấy phép là từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng. Ngoài ra, tổ chức tín dụng có hành vi vi phạm còn bị đình chỉ hoạt động ngoại hối trong thời hạn 03 tháng đến 06 tháng. Cụ thể:

“Điều 23. Vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối

8. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

c) Hoạt động ngoại hối khi không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị tước hoặc không đúng nội dung đã quy định trong giấy phép, trừ trường hợp quy định tại các điểm d, o khoản 4, các điểm a, d khoản 5 Điều này.

9. Hình thức xử phạt bổ sung:

đ) Đình chỉ hoạt động ngoại hối trong thời hạn 03 tháng đến 06 tháng đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 8 Điều này.”

2.      Xử lý hình sự

Nếu việc tổ chức hoạt động tài chính bất hợp pháp nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt cao nhất lên đến đến 20 năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Cụ thể:

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Ngoài ra, mô hình hoạt động, phát triển mạng lưới và cam kết lợi nhuận, trả thưởng của tổ chức Lion Group còn có dấu hiệu của hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Có nghĩa là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới. Do đó, nếu việc tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp theo quy định tại Điều 217a Bộ luật hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể:

“Điều 217a. Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp

1. Người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 174 và Điều 290 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Gây thiệt hại cho người khác từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại cho người khác 1.500.000.000 đồng trở lên;

c) Quy mô mạng lưới người tham gia 100 người trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

 

 

PV