Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Bình - Công ty Luật TNHH Trung Quân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) có chia sẻ như sau:

Trong thời gian qua, nhiều vụ mua bán, sản xuất rượu giả đã được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, việc sản xuất, kinh doanh rượu giả vẫn diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm cận kề Tết.

Rượu là một loại thực phẩm, theo quy định tại khoản 20 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm, hành vi sản xuất, kinh doanh rượu giả là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật về kinh doanh thương mại.

leftcenterrightdel
 Luật sư Nguyễn Thanh Bình.

Pháp luật hiện hành đã có những quy định về chế tài đối với hành vi trên. Cụ thể:

Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung) năm 2017 quy định về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm": "Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm".  Tùy vào tính chất và mức độ gây thiệt hại của hành vi mà mức phạt tù có thể lên đến 20 năm tù, thậm chí tù chung thân.

Hành vi sản xuất, kinh doanh rượu giả là một hành vi vi phạm có tính chất đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo Bộ Y tế, các loại rượu không đảm bảo chất lượng, rượu giả (được pha chế bằng cồn công nghiệp metanol) có thể gây các vụ ngộ độc cấp tính, nhiều trường hợp dẫn đến tử vong.

Bởi vì trong các loại rượu giả, rượu kém chất lượng thường có nồng độ methanol hoặc aldehyde cao, đây là những chất có tác động rất mạnh đến tế bào thần kinh có thể nhanh chóng gây tụt huyết áp, choáng váng, nôn mửa, mờ mắt ... dẫn đến tử vong, nếu có cứu chữa kịp thời cũng dẫn đến hậu quả mù lòa, nhiều trường hợp để lại di chứng không thể khôi phục thị lực.

Nếu sử dụng các loại rượu giả, rượu kém chất lượng kéo dài có thể gây nhiễm độc thần kinh mãn tính, tổn thương gan, thận, lú lẫn, mất kiểm soát.

Sản xuất, kinh doanh rượu giả được quy định là hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm đến sức khỏe và tính mạng của con người.

Ngoài ra, theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức.

Đối với các cá nhân có hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 70 triệu đồng, phụ thuộc vào giá trị hàng giả tương đương với hàng thật. Đối với hành vi buôn bán hàng giả là thực phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế… mức phạt tiền sẽ tăng gấp đôi.

Người có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tịch thu tang vật vi phạm; tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật về phòng, chống sản xuất, kinh doanh rượu giả, các cơ quan chức năng cũng cần phải kiểm soát chặt chẽ thị trường sản xuất, kinh doanh rượu nhằm loại bỏ các cơ sở kinh doanh rượu giả, rượu kém chất lượng.

Lưu Ly