Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:

leftcenterrightdel
Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng.

Tại Khoản 1 Điều 2 của Luật Phòng, chống bạo lực năm 2007 có quy định về những hành vi được coi là bạo lực gia đình cụ thể như việc hành hạ ngược đãi hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm,…

Điều 2. Các hành vi bạo lưc gia đình

1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;

e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

...”

Trong trường hợp bạn chứng kiến những hành vi bạo lực gia đình của nhà hàng xóm thì bạn có thể báo tin cho Cơ quan công an gần nhất, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư theo Điều 18 Luật Phòng, chống bạo lực năm 2007.

“Điều 18. Phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình

1. Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 của Luật này.

2. Cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình.”

Hành vi bạo lực gia đình được quy định là hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 8 của Luật Phòng, chống bạo lực năm 2007.

Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Các hành vi bạo lực gia đình quy định tại Điều 2 của Luật này.

...”

Vì vậy, người thực hiện những hành vi bạo lực gia đình tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả của hành vi mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

1.    Xử lý vi phạm hành chính

Nghị định số 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong một số lĩnh vực, trong đó có quy định về xử phạt VPHC về phòng chống bạo lực gia đình. Đối với các hành vi bạo lực gia đình tùy vào từng hành vi sẽ có các mức phạt khác nhau được quy định tại Mục 4. Vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình. Tại Điều 49 của mục này quy định mức phạt từ 1- 1.5 triệu đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho các thành viên gia đình. Trong trường hợp sử dụng hung khí đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình sẽ bị phạt ở mức cao hơn đó là từ 1,5-2 triệu đồng.

“Điều 49. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

...”

2.    Xử lý hình sự

Nếu thực hiện hành vi bạo lực gia đình có tính chất nghiêm trọng và có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn tiếp tục vi phạm thì có thể bị xử phạt hình sự theo quy định tại Điều 185 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình

1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.

…”

Song Anh