Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:

 
leftcenterrightdel
 Luật sư Trần Đức Thắng.

 

Dấu hiệu pháp lý là những dấu hiệu đặc trưng mà từ đó có thể nhận biết, xác định tội phạm. Căn cứ theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” thì dấu hiệu pháp lý của tội này bao gồm:

1. Mặt khách thể của tội phạm

Cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là hành vi cố ý làm người khác bị tổn hại đến sức khỏe, xâm phạm quyền được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ của con người được quy định tại khoản 1 Điều 20 Hiến Pháp 2013: 1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

2. Mặt chủ thể của tội phạm

Theo quy định của Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017quy định:

Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”.

Như vậy, chủ thể của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là người từ đủ 14 tuổi trở lên, có lỗi cố ý trong việc thực hiện hành vi vi phạm, có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định.

3. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật hình sự, thể hiện sự nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của người phạm tội mong muốn gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; hậu quả của tội phạm này thể hiện tỷ lệ tổn thương cơ thể (mất sức lao động) từ 01% trở lên; tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội của tội phạm.

Tại Khoản 14 Mục I Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của TANDTC giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử, trong đó có giải đáp vướng mắc về quy định tại khoản 6 Điều 134 BLHS 2015 như sau:

“…Quy định này không bắt buộc người phạm tội phải hoàn thành hành vi khách quan là gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác và cũng không bắt buộc phải có hậu quả xảy ra. Người có hành vi chuẩn bị một trong các loại công cụ, phương tiện phạm tội như: Vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì đã đủ dấu hiệu về mặt hành vi khách quan để xử lý hình sự người phạm tội.

Do đó, đối với trường hợp nêu trên thì các đối tượng mặc dù chưa thực hiện hành vi gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng đã có sự bàn bạc thống nhất, câu kết chặt chẽ với nhau và đã hoàn thành việc chuẩn bị các loại hung khí nguy hiểm nhằm mục đích tấn công gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Do đó, các đối tượng này có đủ dấu hiệu về mặt hành vi khách quan theo quy định tại khoản 6 Điều 134 của Bộ luật Hình sự.”.

Dựa trên giải đáp trên thì mặc dù chưa thỏa mãn yếu tố có hậu quả gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe người khác nhưng đã có sự bàn bạc thống nhất, cấu kết chặt chẽ với nhau và đã hoàn thành việc chuẩn bị các loại hung khí nguy hiểm nhằm mục đích tấn công gây thương thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì đã có đầy đủ dấu hiệu về mặt khách quan trong cấu thành tội phạm.

4. Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện do lỗi cố ý.

 

Hương My (T/h)