Kể từ khi Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 có hiệu lực thi hành, đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra tại các hội thảo, hội nghị, diễn đàn… trao đổi về: Trường hợp cơ quan THADS đã bán đấu giá tài sản của người phải thi hành án để thi hành án, nếu như người phải thi hành án hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến tài sản bán đấu giá không đồng ý với kết quả bán đấu giá thì có quyền khởi kiện “Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản” không? |
Điều 102 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định:
“1. Việc hủy kết quả bán đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản; trường hợp kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy thì việc xử lý tài sản để thi hành án được thực hiện theo quy định của Luật này.
2. Người mua được tài sản bán đấu giá, Chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán đấu giá tài sản”.
Điều 72 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định:
“Kết quả đấu giá tài sản bị hủy trong các trường hợp sau đây:
1. Theo thỏa thuận giữa người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản và người trúng đấu giá về việc hủy kết quả đấu giá tài sản hoặc giữa người có tài sản đấu giá và người trúng đấu giá về việc hủy giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, trừ trường hợp gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức;
2. Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá bị Tòa án tuyên bố vô hiệu theo quy định của pháp luật về dân sự trong trường hợp người trúng đấu giá có hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5 Điều 9 của Luật này;
3. Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản bị hủy bỏ theo quy định tại khoản 6 Điều 33 của Luật này;
4. Người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên có hành vi thông đồng, móc nối, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá dẫn đến làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá hoặc hồ sơ tham gia đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản;
5. Theo quyết định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp đấu giá tài sản nhà nước khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 33 của Luật này”.
Khoản 2, 3, 11, 13 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:
2. Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.
3. Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.
11. Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
13. Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”.
Như vậy, Tòa án nhân dân sẽ là cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp gồm: Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản; Tranh chấp yêu cầu tuyên hợp đồng bán đấu giá tài sản vô hiệu; Tranh chấp yêu cầu tuyên hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá vô hiệu. Người có tài sản bán đấu giá, người bán đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến tài sản bán đấu giá… khi cho rằng kết quả bán đấu giá ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình đều có quyền khởi kiện tại cơ quan Tòa án nhân dân yêu cầu giải quyết các tranh chấp gồm: Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản; tranh chấp yêu cầu tuyên hợp đồng bán đấu giá tài sản vô hiệu; tranh chấp yêu cầu tuyên hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá vô hiệu.