Tại Quảng Ninh, từ ngày 21/9 đã mở lại một số hoạt động du lịch nội tỉnh gắn với việc kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn dịch bệnh sau khi 90 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng, giữ vững vùng "xanh".
|
|
Tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ ưu tiên áp dụng các mô hình du lịch không gây rủi ro về dịch bệnh cho cộng đồng dân cư, các sản phẩm du lịch giá trị gia tăng cao (Ảnh: An Nhiên). |
Sau đó, trong hai tháng 11, 12, kết hợp kích cầu du lịch nội tỉnh với thu hút khách du lịch ngoại tỉnh. Trong đó tập trung ở các địa phương phía Bắc; chỉ thực hiện đón khách từ các địa phương đã qua 14 ngày không xuất hiện các ca lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng. Khách du lịch bắt buộc phải tiêm 2 mũi vắc xin và có xét nghiệm PCR trong 48 giờ.
Đồng thời, tỉnh cũng sẽ ưu tiên áp dụng các mô hình du lịch không gây rủi ro về dịch bệnh cho cộng đồng dân cư, các sản phẩm du lịch giá trị gia tăng cao. Khuyến khích các tour du lịch lưu trú dài ngày, khép kín nhưng nhân viên phục vụ các tour du lịch ngoại tỉnh cũng phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin, thực hiện xét nghiệm định kỳ và làm việc theo mô hình "3 tại chỗ".
TP Hải Phòng kể từ 0h ngày 1/10, cho phép các địa phương mở các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh nhưng chỉ đón và phục vụ khách nội tỉnh.
Khách và người trực tiếp hướng dẫn khách đến tham quan phải đảm bảo một trong các điều kiện sau: Có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ; có chứng nhận đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 và đã qua 14 ngày tính từ mũi tiêm cuối. Được công bố khỏi bệnh COVID-19 theo quy định.
Cơ sở lưu trú được tổ chức ăn uống tại chỗ, nhưng chỉ phục vụ khách đang lưu trú và phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19; nhân viên phục vụ phải có xác nhận tiêm ít nhất một mũi vắc xin phòng COVID-19 trở lên, định kỳ xét nghiệm SARS-CoV-2 cho nhân viên 1 tuần/lần, tuân thủ 5K.
Tỉnh Vĩnh Phúc từ ngày 13/9 mở cửa trở lại một số hoạt động tại các khu, điểm du lịch, thắng cảnh, các sân golf, các cơ sở tập luyện thể dục thể thao dành cho khách nội tỉnh.
Các khu, điểm du lịch, danh thắng chỉ được phép hoạt động không quá 50% công suất, chỉ đón và phục vụ khách trong tỉnh. Các cơ sở lưu trú được phép mở cửa nhưng không được cung cấp dịch vụ karaoke, massage.
|
|
Các sân golf, sân tập golf được phép hoạt động trở lại, nhưng chỉ được phép phục vụ không quá 50% công suất và không đón khách ngoài tỉnh. |
Các sân golf, sân tập golf… được hoạt động trở lại nhưng chỉ được phép hoạt động không quá 50% công suất và chỉ phục vụ khách nội tỉnh, không cung cấp dịch vụ ăn uống tập trung, xông hơi, massage, tắm công cộng. Khách đến chơi golf phải được lập danh sách, khai báo y tế.
Nhà hàng ăn uống được phép hoạt động trở lại nhưng không phục vụ đồ uống có cồn, không quá 50% công suất chỗ ngồi và không quá 20 người/phòng, đóng cửa trước 22h hàng ngày.
Tỉnh Khánh Hòa: Từ ngày 1-15/10, UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép các cơ sở dịch vụ du lịch được đón khách có hộ khẩu trong tỉnh. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ở khu vực biệt lập, sau khi đã đáp ứng các quy định, điều kiện, tiêu chí về đảm bảo an toàn COVID-19 và được Sở Du lịch kiểm tra, chấp thuận thì được đón khách. Khách đi du lịch phải có chứng nhận tiêm đủ hai mũi vắc xin, mũi thứ hai qua 14 ngày.
Trong giai đoạn hai, từ ngày 16-10 đến 15-11, tỉnh Khánh Hòa cho phép người dân tắm biển tại các bãi tắm ở "vùng xanh", người đi tắm biển là người dân "vùng xanh" và tập trung không quá năm người. Trong giai đoạn này, tỉnh sẽ cho phép đón khách du lịch trong cả nước và du khách phải có "thẻ xanh COVID-19".
Huyện Cần Giờ (TPHCM): Việc kiểm soát được dịch bệnh đã giúp huyện Cần Giờ cùng với huyện Củ Chi và quận 7 được TPHCM cho thí điểm khôi phục một số hoạt động kinh tế-xã hội.
|
|
Huyện Cần Giờ mở tour khép kín từ 19/9 (Ảnh: Internet). |
Bắt đầu từ ngày 19/9, huyện Cần Giờ chính thức thí điểm khôi phục hoạt động du lịch. Cụ thể, huyện thí điểm mở lại một tour du lịch khép kín, trong đó du khách sẽ tham quan một số địa điểm, như: Chiến khu rừng Sác, Khu du lịch Dần Xây, Khu du lịch Vàm Sát và Khu du lịch Hòn ngọc Phương Nam.
Dự kiến, hoạt động du lịch sẽ được thí điểm đến cuối tháng 9/2021, sau đó huyện sẽ có đánh giá, nếu thuận lợi sẽ nới lỏng hơn nữa, cho phép thêm các đơn vị du lịch được tham gia tổ chức hoạt động. Ngoài ra các hoạt động kinh tế khác như dịch vụ vui chơi, ăn uống… cũng được huyện tính toán để có lộ trình mở cửa từng bước.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Từ ngày 15/9, khách nội địa được đến 4 cơ sở du lịch ở các huyện "vùng xanh" là Côn Đảo, Xuyên Mộc, Châu Đức và Đất Đỏ với tour khép kín.
Theo đó, trước mắt từ ngày 15/9 - 30/10/2021, Bà Rịa - Vũng Tàu thí điểm các cơ sở lưu trú có dịch vụ khép kín và phương án phòng chống dịch COVID-19 sẽ được đón khách nội địa, gồm Hồ Tràm Strip, Melia Hồ Tràm, Suối nước nóng Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) và Six Senses Côn Đảo (huyện Côn Đảo). Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện, UBND tỉnh sẽ xây dựng phương án thực hiện cho giai đoạn từ ngày 1/11 về sau phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh.
Riêng với Côn Đảo, dự kiến đón du khách nội địa bằng hình thức chuyến bay thuê bao (charter) và theo quy trình khép kín trong suốt chuyến đi tại Six Senses Côn Đảo. Còn tại huyện Xuyên Mộc, du khách sẽ được vận chuyển bằng xe riêng của khách sạn từ nơi đón ở các tỉnh, thành phố khác đến khách sạn, cũng theo quy trình khép kín.
Khách du lịch phải đảm bảo tiêm đủ 2 liều vắc-xin, thời gian đã tiêm liều cuối phải được ít nhất 14 ngày nhưng không quá 12 tháng. Mỗi khách phải được xét nghiệm COVID-19 định kỳ khi lưu trú tại khách sạn.
Thừa Thiên - Huế: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ mở cửa phục vụ du khách tại các điểm di tích: Đại Nội, lăng vua Minh Mạng, lăng vua Tự Đức và lăng vua Khải Định. Trung tâm chỉ phục vụ tham quan khu vực ngoài trời, không tham quan tại nội thất các cung điện.
Để đảm bảo các nguyên tắc phòng chống dịch, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đề nghị du khách thực hiện tốt các biện pháp 5K; quét mã QR code thẻ kiểm soát dịch trước khi vào tham quan. Đối với khách ngoại tỉnh, phải hoàn tất việc thực hiện giám sát y tế theo quy định.