Diễn đàn Liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP HCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với chủ đề “Dòng chảy tinh hoa” vừa được tổ chức tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Thông qua việc liên kết, các tỉnh, thành phố sẽ trao đổi thông tin, xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương, khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch để phục hồi phát triển ngành du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh COVID – 19.

leftcenterrightdel
Phố cổ Hội An, Quảng Nam. Ảnh Hà Vũ Linh 

Tham dự sự kiện này có lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch  (VHTT-DL); Tổng cục Du lịch; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Quảng Ngãi; cơ quan lãnh sự các nước; hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố trong liên kết; doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, điểm tham quan du lịch, các hãng hàng không Việt Nam.

Bên cạnh đó, cũng tại Quảng Nam, ngày 28/11, Bộ VHTT-DL phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020 với chủ đề “Liên kết, hành động và phát triển”. Hội nghị có sự tham gia của trên 400 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, hàng không, du lịch, lữ hành, khách sạn cùng một số chuyên gia, nhà báo… Hội nghị hướng đến mục tiêu đề xuất giải pháp phục hồi và thống nhất hành động giữa các cấp, các ngành trong kế hoạch phát triển du lịch Việt Nam phù hợp với diễn biến của COVID-19.

leftcenterrightdel
 Đại nội Huế. Ảnh: Hà Vũ Linh

Tại Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020, Bộ VHTT-DL cho biết, du lịch Việt Nam giai đoạn 2015-2019 đã đạt được những kết quả vượt bậc. Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 2,3 lần từ 7,9 triệu lên 18 triệu với tốc độ 22,7%/năm; khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt với tốc độ 10,5%/năm. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam được xếp hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019 (tăng 12 bậc so với năm 2015). Tại hội nghị, Bộ VHTT-DL cũng nêu rõ những khó khăn, hạn chế và nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi, phát triển ngành du lịch một cách an toàn, bền vững, thích ứng với bối cảnh và xu hướng mới.

Nối tiếp chương trình Hội nghị, đại diện Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) dự đoán xu hướng mới trong nhu cầu du lịch của khu vực và khả năng thích ứng của ngành du lịch Việt Nam. Đại diện các doanh nghiệp đề xuất giải pháp chiến lược nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch trong và sau COVID; đề xuất tái định hình chính sách hỗ trợ và cơ cấu lại ngành du lịch sau đại dịch; gợi ý xu hướng chuyển đổi số để phát triển thời “bình thường mới”; đề xuất mô hình và kinh nghiệm hợp tác, liên kết giữa các nhà đầu tư về quảng bá, xúc tiến. Hội nghị còn đưa ra những giải pháp để ngành hàng không và du lịch cất cánh trở lại hậu COVID-19.

leftcenterrightdel
 Danh thắng Non nước Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Ảnh: Hà Vũ Linh

Về Diễn đàn Liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP HCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, ông Lê Trí Thanh- Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cho biết, chương trình chính của Diễn đàn là thống nhất ký kết thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP HCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó tập trung vào 4 nội dung chính là công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch.

Thông qua việc liên kết, các tỉnh, thành phố sẽ trao đổi thông tin liên kết xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương; khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, đa dạng và đặc trưng của vùng, cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú; phát huy lợi thế cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế, tăng tỉ lệ khách du lịch, tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách. Mục tiêu là phấn đấu tăng tỷ lệ khách du lịch, góp phần phục hồi phát triển ngành du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh COVID- 19, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế xã hội của cả vùng nói riêng, cả nước nói chung.

leftcenterrightdel
 Rừng dừa Bảy mẫu, Hội An, Quảng Nam. Ảnh: Hà Vũ Linh

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định là vùng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội và du lịch. Vùng này có nhiều cảng biển, sân bay lớn, khu kinh tế cùng nhiều tiềm năng nổi trội về cảnh quan thiên nhiên và tiềm năng về du lịch; trong đó tiềm năng du lịch biển. Ngoài ra, toàn khu vực còn có nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn; là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc anh em - những chủ nhân đã và đang xây dựng nên một bảo tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc bậc nhất của Việt Nam hiện nay.

Với những lợi thế trên, là cơ sở để Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có đầy đủ các yếu tố tiềm năng, lợi thế trong liên kết, hợp tác du lịch với TP Hà Nội, TP HCM để thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi, thu hút khách du lịch nội địa và chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế trong thời gian đến.

Xuân Nha