Theo tờ báo, Lực lượng Thủy quân Lục chiến đang đặt mua hệ thống, được người Mỹ gọi là SkyHunter (Thợ săn bầu trời), do khả năng quân sự ngày càng tiến bộ của Nga cũng như sự phát triển công nghệ máy bay không người lái trong những nhóm khủng bố nhỏ lẻ.

Bài báo nhắc đến các bản thuyết trình sơ bộ (slides) được chuẩn bị cho Hội đồng Quân lực Thượng viện, cho biết Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ đã tìm kiếm nguồn tài trợ giới hạn trong năm 2019 để bắt đầu thử nghiệm và tích hợp hệ thống vào Radar định hướng nhiệm vụ mặt đất/Không chiến (G/ATOR) và tên lửa Tamir trên Xe tác chiến liên hợp hạng nhẹ và Xe tải Hậu cần hạng trung.

Chưa đầy 6 tháng trước, Mỹ chọn mua 2 hệ thống Iron Dome.

leftcenterrightdel
Hệ thống tên lửa phòng thủ Iron Dome của Israel. Ảnh: Quân đội Israel 

Kể từ khi triển khai lần đầu tiên vào năm 2011 ở ngoại ô Beersheba, hệ thống Irone Dome đánh chặn thành công 85% tên lửa/đạn pháo bắn vào các vùng đất có nhiều người dân sinh sống, thay đổi cục diện cuộc chiến giữa Israel và kẻ thù, theo Báo Bưu điện Jerusalem.

Trong lần giao chiến gần đây nhất giữa Israel và các nhóm vũ trang cực đoan ở Dải Gaza, 690 quả tên lửa được bắn vào lãnh thổ Israel chỉ trong chưa đầy 48 giờ. Trong khi phần lớn đầu đạn rơi xuống khu vực đất hoang và không gây thương vong, mạng lưới Iron Dome đánh chặn 240 quả tên lửa đang lao vun vút đến một khu vực dân cư.

Hệ thống được Tập đoàn Hệ thống Phòng vệ Hiện đại Rafael, Tập đoàn Công nghệ Hàng không Vũ trụ Israel và Tập đoàn Raytheon, nhà sản xuất hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ phát triển. Bộ radar đến từ Công ty ELTA System, một đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghệ Hàng không Vũ trụ Israel.

Iron Dome mang đầu đạn chứa 10 kg thuốc nổ và có thể đánh chặn tên lửa ở khoảng cách từ 4 đến 70 km. Nó có thể phân biệt các loại đạn pháo hay tên lửa sẽ hạ cánh xuống khu đất trống hoặc hướng đến khu vực dân sinh.

Được sử dụng trong các hoạt động quân sự chống lại Hamas, hệ thống vừa qua đánh chặn thành công một tên lửa tầm xa do quan đội Iran phóng từ Syria hướng đến khu trượt tuyết nghỉ dưỡng Núi Hermon.

Trong các hoạt động trước đó ở Gaza, Iron Dome phải vật lộn trong việc đánh chặn đạn pháo tầm gần bắn vào Israel. Nhưng quân đội Israel đã nâng cấp hệ thống phòng không nhiều lớp và Iron Dome bây giờ hoàn toàn tự tin đánh chặn tên lửa và đạn pháo tầm gần.

Trong khi Mỹ có hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo THAAD được thiết kế để đánh chặn và phá hủy tên lửa đạn đạo tầm trung và xa, quân đội nước này vẫn chưa có giải pháp phòng không tầm gần.

Nhiều thông tin nổi lên năm ngoái cho biết quân đội Mỹ nhận thấy nhu cầu cấp thiết về một giải pháp tạm thời lấp đầy “lỗ hổng” trong hệ thống phòng thủ, đặc biệt ở mặt trận châu Âu, cho đến khi tìm ra giải pháp lâu dài cho vấn đề này để bảo vệ tính mạng binh sĩ trước các mối đe dọa trên không.

Vào tháng 2, Bộ Quốc phòng Israel và Bộ quốc phòng Mỹ thông qua hợp đồng mua 2 bộ thiết bị Iron Dome đáp ứng nhu cầu ngắn hạn của Quân đội Mỹ về Khả năng Ngăn chặn Hỏa lực Trực tiếp.

“Hệ thống Iron Dome sẽ được chuyển giao cHo các đơn vị quân đội trực chiến như một hệ thống phòng thủ chống lại các mối đe dọa đạn đạo và trên không, nó sẽ được thử nghiệm trong một thời gian dài nhằm đánh giá khả năng của quân đội chống lại các mối đe dọa trên không,” theo một tuyên bố của Bộ quốc phòng Mỹ.

Quân đội Mỹ đề nghị Quốc hội duyệt chi 373 triệu USD mua 2 bộ hệ thống phòng vệ, bao gồm 12 máy phóng tên lửa, 2 bộ cảm biến, 2 đài chỉ huy tác chiến và 240 tên lửa đánh chặn. Washington mong muốn nhận hàng vào năm 2020.

Phạm Trúc