Ngày 10/10, các nguồn tin vùng Vịnh cho biết, các quốc gia khu vực đang yêu cầu Washington gây sức ép ngăn chặn Israel tấn công các cơ sở dầu mỏ của Iran.

Các nước vùng Vịnh lo ngại các cơ sở dầu mỏ của chính họ có thể bị lực lượng ủy nhiệm của Tehran trong khu vực tấn công, một khi xung đột leo thang, được kích hoạt bởi một hành động trả đũa thiếu cân nhắc của Israel.

Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Qatar cũng từ chối cho máy bay ném bom Israel quá cảnh không phận để tấn công Iran và đã chuyển điều này tới Washington, các nguồn tin nói.

Vào đêm ngày 1/10, Iran đã phóng khoảng gần 200 tên lửa nhắm vào các mục tiêu quân sự và an ninh của Israel, nhằm đáp trả các vụ ám sát của Tel Aviv nhắm vào thủ lĩnh các phong trào kháng chiến trong khu vực do Tehran hậu thuẫn.

Các quan chức cấp cao Israel tuyên bố, Iran sẽ phải trả giá cho cuộc tấn công này, trong khi Tehran cảnh báo, bất kì hành động trả đũa nào của Tel Aviv cũng sẽ phải hứng chịu phản ứng tàn phá khủng khiếp.

Với các hành động ăn miếng trả miếng có xu hướng mở rộng quy mô và sự khốc liệt, Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác và cộng đồng quốc tế lo ngại hành động của Israel như giọt nước tràn li, kích hoạt xung đột thành một cuộc chiến khu vực ngoài tầm kiểm soát, lôi kéo nhiều bên tham gia.

leftcenterrightdel
 Thái tử Ả Rập Xê Út, Mohammed bin Salman (bên phải) tiếp Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi tại Riyadh, ngày 9/10. Ảnh: Saudi Press Agency/Reuters.

Các động thái của các quốc gia vùng Vịnh diễn ra sau nỗ lực ngoại giao của Tehran nhằm thuyết phục các nước láng giềng ở vùng Vịnh, sử dụng ảnh hưởng của họ với Washington, trong bối cảnh gia tăng lo ngại Israel có thể nhắm vào các cơ sở sản xuất dầu, hay thậm chí là cơ sở hạt nhân của Iran.

Trong các cuộc gặp gỡ trong tuần, Iran đã cảnh báo Ả Rập Xê Út, Tehran không thể đảm bảo an toàn cho các cơ sở dầu mỏ của nước này nếu Israel nhận được hỗ trợ để thực hiện một cuộc tấn công.

“Người Iran đã tuyên bố, nếu các quốc gia vùng Vịnh mở không phận cho Israel, đó sẽ là một hành động chiến tranh.”, một nguồn tin Ả Rập Xê Út nói.

Nguồn tin cho biết, Tehran đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Riyadh rằng, các đồng minh của nước này ở các quốc gia như Iraq hoặc Yemen, có thể phản ứng nếu có bất kì sự ủng hộ nào của khu vực dành cho Israel chống lại Iran.

Một cuộc tấn công tiềm tàng của Israel là trọng tâm của các cuộc thảo luận diễn ra hôm 9/10 giữa Thủ tướng Ả Rập Xê Út- Thái tử Mohammed bin Salman và Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi, người đang có chuyến công du vùng Vịnh.

Một nguồn tin từ vùng Vịnh cho biết, chuyến thăm của Ngoại trưởng Iran, cùng với hoạt động trao đổi thông tin giữa Ả Rập Xê Út và Mỹ ở cấp bộ quốc phòng, là một phần trong nỗ lực phối hợp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng.

leftcenterrightdel
 Nhà máy lọc dầu Abadan ở tây nam Iran. Ảnh: Reuters/Essam Al-Sudani.

Nguồn tin từ Washington xác nhận, các quan chức vùng Vịnh đã liên lạc với các đối tác Mỹ để bày tỏ quan ngại về phạm vi trả đũa tiềm tàng của Israel.

Ngày 9/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có cuộc điện đàm được mô tả là “tích cực” xung quanh kế hoạch trả đũa của Israel.

“Sự lo ngại của các quốc gia vùng Vịnh có thể là chủ đề thảo luận chính với các đối tác Israel khi cố gắng thuyết phục Israel thực hiện một phản ứng có cân nhắc.”, Jonathan Panikoff, cựu quan chức tình báo quốc gia Mỹ phụ trách Trung Đông, hiện làm việc tại tổ chức tư vấn chính sách Atlantic Council có trụ sở ở Washington cho biết.  

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), do Ả Rập Xê Út dẫn đầu, có đủ công suất dầu dự phòng để bù đắp cho bất kì tổn thất nào về nguồn cung từ Iran, nếu một cuộc trả đũa của Israel phá hủy một số cơ sở dầu của nước này.

Nhưng, phần lớn công suất dự phòng đó nằm ở vùng Vịnh, vì vậy nếu các cơ sở dầu mỏ ở Ả Rập Xê Út hoặc UAE cũng bị nhắm mục tiêu, thế giới có thể phải đối mặt với vấn đề nguồn cung dầu.

Năm 2019, lực lượng chính trị vũ trang Hồi giáo Houthi ở Yemen do Iran hậu thuẫn, đã thực hiện các vụ tấn công từ trên không nhằm vào 2 cơ sở của Tập đoàn dầu mỏ Aramco, ở phía đông Ả Rập Xê Út, làm sụt giảm một nửa sản lượng dầu thô của nước này và gây gián đoạn đáng kể nguồn cung dầu toàn cầu.

leftcenterrightdel
 Kho dầu Aramco ở Jeddah, Ả Rập Xê Út trúng đạn của Houthi, ngày 25/3/2022/Reuters.

Cuối tháng 11/2020, Trung Đông chấn động sau khi Houthi sử dụng tên lửa Quds 2 tấn công gây hỏa hoạn tại nhà máy lọc dầu của Aramco ở thành phố cảng Jeddah trên bờ Biển Đỏ.

Ngày 7/3/2021, cơ sở dầu mỏ lớn của Aramco ở Ras Tanura, Ả Rập Xê Út  trở thành mục tiêu tấn công tên lửa và máy bay không người lái (drone) của Houthi, sau khi liên minh quân sự do Riyadh chỉ huy đánh bom vào thủ đô Sanaa, Yemen do Houthi kiểm soát.

Ngày 25/3/2022, Houthi đã tấn công trạm phân phối của Aramco ở Jeddah khiến 2 bể chứa dầu bùng cháy.

Trước đó, ngày 17/1/2022, Houthi cũng đã nhận trách nhiệm vụ phóng tên lửa và drone vào 3 xe bồn chở nhiên liệu gần một nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của công ty dầu khí nhà nước ADNOC, ở thủ đô Abu Dhabi, UAE.

Đây là lí do khiến Ả Rập Xê Út và các nước trong khu vực đề phòng về làn sóng tấn công tiềm năng của Iran và đồng minh vào các cơ sở dầu của mình.

Chưa hết, Bahrain, Kuwait, Qatar, Ả Rập Xê Út và UAE đều có các cơ sở quân sự hoặc là nơi đồn trú quân đội Mỹ.

Ngày 9/10, một quan chức cấp cao Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tuyên bố, Mỹ sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp cho bất kì hành động xâm lược và leo thang thù địch nào của Israel, khi tiếp tục liên can và hỗ trợ Tel Aviv  trong cuộc xung đột, bao gồm cung cấp thông tin tình báo, hậu cần và hỗ trợ tài chính. Và, phản ứng đáp trả của Iran có thể gây nguy hiểm cho các nguồn lực và lợi ích của người Mỹ trong khu vực.

leftcenterrightdel
 Cảnh tượng tại kho dầu của Aramco ở Jeddah, Ả Rập Xê Út, ngày 25/3/2022, sau một cuộc tấn công của Houthi. Ảnh: AFP.

Một nguồn tin khác từ vùng Vịnh cho biết, mối lo ngại về các cơ sở dầu mỏ và khả năng xảy ra xung đột khu vực cũng là trọng tâm trong các cuộc thảo luận giữa các quan chức UAE và các đối tác Mỹ.

Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng, Israel có những lựa chọn khác, bao gồm khả năng tiếp nhiên liệu trên không cho phép máy bay phản lực của nước này bay vòng qua Biển Đỏ vào Ấn Độ Dương, tiến đến vùng Vịnh rồi bay trở lại.

Trong khi nguồn tin từ các quan chức cấp cao của Israel cho biết, Tel Aviv sẽ điều chỉnh phản ứng của mình, tuy nhiên đến ngày 9/10, họ vẫn chưa quyết định liệu có tấn công các mỏ dầu của Iran hay không.

Các nguồn tin từ vùng Vịnh cho biết, Ả Rập Xê Út, với tư cách là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu cùng với các nước láng giềng sản xuất dầu mỏ là UAE, Qatar, Kuwait, Oman và Bahrain, quan tâm sâu sắc đến việc hạ nhiệt tình hình.

“Chúng tôi sẽ ở giữa một cuộc chiến tranh tên lửa. Có mối lo ngại thực sự, đặc biệt là nếu cuộc tấn công của Israel nhắm vào các cơ sở dầu mỏ của Iran.”, một nguồn tin từ vùng Vịnh nói, nhấn mạnh, một cuộc tấn công của Israel vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran sẽ có tác động toàn cầu.

“Nếu giá dầu tăng vọt lên 120 đô la một thùng, điều này sẽ gây tổn hại đến cả nền kinh tế Mỹ... Vì vậy, người Mỹ sẽ không cho phép cuộc chiến dầu mỏ mở rộng.”, nguồn tin nói.

Các nguồn tin vùng Vịnh cho biết, việc bảo vệ tất cả các cơ sở dầu mỏ vẫn là một thách thức, mặc dù được trạng bị hệ thống phòng thủ Patriot và tên lửa tiên tiến, do đó, cách tiếp cận chính vẫn là ngoại giao, để gửi tín hiệu tới Iran rằng, các quốc gia vùng Vịnh không gây ra mối đe dọa nào.

Văn Phong (theo Reuters)