Mỹ sẽ gửi thêm 3.000 quân đến Ba Lan những ngày tới trong một nỗ lực trấn an các đồng minh NATO, các quan chức Washington tiết lộ hôm 11/2. Số này không bao gồm khoảng 3.000 quân được triển khai tới Ba Lan và Romania mà chính quyền Mỹ tuyên bố hồi đầu tháng.
Ngoài ra 8.500 binh sĩ khác cũng trong tình trạng báo động, sẵn sàng triển khai tới châu Âu nếu cần.
Lực lượng tăng cường được cho đến từ Sư đoàn Dù số 82 đóng tại Căn cứ Fort Bragg, Bắc Carolina, mà không phải từ các lực lượng Mỹ ở châu Âu.
Theo nguồn tin, lệnh triển khai được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ký theo chỉ thị của Tổng thống Joe Biden.
Động thái diễn ra khi Nga tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô ở Belarus và Biển Đen, sau khi bị cáo buộc tập trung hơn 100.000 binh sĩ gần Ukraine.
|
|
Các binh sĩ Sư đoàn Dù 82 của quân đội Mỹ đến sân bay Rzeszow-Jasionka, đông nam Ba Lan ngày 8/2. Nguồn: Reuters. |
Trong các cuộc tiếp xúc gần đây với Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại trụ sở NATO, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, cảnh báo, ngoài việc đã triển khai hơn 100.000 quân gần Ukraine với đầy đủ các đơn vị hỗ trợ về y tế và hậu cần, Nga khả năng cũng triển khai khoảng 30.000 quân tại Belarus, cùng với các khí tài hạng nặng, lực lượng lớn nhất tại nước đồng minh láng giềng kể từ Chiến tranh Lạnh.
Ông Stoltenberg cho biết, đây là lý do NATO tăng cường triển khai thêm các nhóm tác chiến tới khu vực đông nam của liên minh.
Tổng Thư ký NATO hoan nghênh việc Mỹ gửi thêm quân đến Ba Lan, Đức và Romania; cho biết, các nước đồng minh khác cũng đang đóng góp thêm lực lượng cho NATO trên bộ, trên không và trên biển. “Các đợt triển khai của chúng tôi mang tính chất phòng thủ và tương xứng với tình hình. Chúng tôi gửi đi một thông điệp rõ ràng, NATO sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo vệ và phòng thủ cho các nước đồng minh.”, ông Stoltenberg nhấn mạnh.
|
|
Cuộc họp trực tuyến ngày 11/2 của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg với lãnh đạo các quốc gia thành viên về tình hình an ninh châu Âu. Nguồn: NATO. |
Trong cuộc họp trực tuyến hôm 11/2 của Ban lãnh đạo NATO và EU với các nhà lãnh đạo hàng đầu trong khối, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Ba Lan, Romania, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo, nguy cơ xung đột ở châu Âu “là có thật”; hoan nghênh các hoạt động triển khai phòng thủ tăng cường gần đây của đồng minh NATO tới khu vực phía đông của liên minh.
Ông Stoltenberg cũng cho biết, vào tuần tới, các Bộ trưởng Quốc phòng NATO sẽ thảo luận về các biện pháp tăng cường thế trận phòng thủ của khối.
Trước đó, từ các hình ảnh vệ tinh về hoạt động quân sự của Nga, cả Mỹ và Anh đều cảnh báo một cuộc xâm lược “có thể xảy ra trong vài ngày tới”. Tổng thống Biden nói với NBC News hôm 10/2, mọi chuyện ở Ukraine "có thể diễn biến điên rồ nhanh chóng".
Mỹ thậm chí cho rằng, Nga có thể xâm lược Ukraine trước khi kết thúc Thế vận hội Mùa đông vào ngày 20/2 và có thể tìm cách chiếm thủ đô Kiev và các thành phố khác.
|
|
Hình ảnh vệ tinh về căn cứ không quân Oktyabrskoye của Nga ở Crimea ngày 10/2. Hình ảnh: Maxar Technologies / Handout/ Reuters. |
"Chúng tôi tiếp tục nhận thấy các dấu hiệu leo thang của Nga, bao gồm cả các lực lượng bổ sung ở biên giới Ukraine.", cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Jake Sullivan, nói với báo giới; cảnh báo một cuộc xâm lược có thể bắt đầu bất cứ lúc nào.
Trong khi đó, Moscow nhiều lần tuyên bố, Nga không có ý định đe dọa hay tấn công bất cứ quốc gia nào, các hoạt động quân sự trong lãnh thổ đất nước là quyền chủ quyền của nước này; và hoạt động đó chỉ đơn thuần có tính phòng thủ.
Moscow cũng cáo buộc các quốc gia phương Tây đã tung tin giả để lấy cớ triển khai quân đội áp sát Nga, cũng như đánh lạc hướng khỏi các hành động gây hấn của họ.
Cùng với việc ráo riết triển khai quân, hôm 11/2, Mỹ và các đồng minh kêu gọi công dân của mình lập tức rời khỏi Ukraine để tránh một cuộc xâm lược của Nga, bao gồm cả một cuộc không kích có thể xảy ra.
|
|
Hình ảnh vệ tinh khu vực phía nam căn cứ không quân Oktyabrskoye, Crimea ngày 10/2. Ảnh: Maxar Technologies / Handout /Reuters. |
Australia và New Zealand là những quốc gia mới nhất kêu gọi công dân rời Ukraine càng sớm càng tốt, cùng với Anh, Nhật Bản, Latvia, Na Uy và Hà Lan. Trong khi Israel cho biết đang sơ tán thân nhân của các nhân viên đại sứ quán tại Kiev.
Các động thái trên diễn ra khi các nỗ lực ngoại giao NATO- Nga cho đến nay đều chưa mang lại kết quả tích cực.
Mới đây nhất, cả phương Tây và Nga đều bày tỏ thất vọng về các cuộc đàm phán 4 bên theo định dạng Normandy tại Berlin, giữa Nga, Ukraine, Đức và Pháp hôm 11/2, cho rằng, thảo luận không đạt được tiến triển nào.
Trong cuộc họp trực tuyến hôm 11/2, các nhà lãnh đạo NATO tiếp tục nhất trí về tầm quan trọng của việc tiếp tục đối thoại với Nga, khi cho rằng, đang là thời điểm Nga có thể xâm lược Ukraine.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhắc lại, ông đã mời Nga và tất cả các thành viên khác của Hội đồng NATO-Nga tham dự các cuộc họp sâu hơn để thảo luận về an ninh châu Âu, bao gồm tình hình trong và xung quanh Ukraine, quan hệ NATO-Nga, sự minh bạch, cũng như kiểm soát vũ khí và giảm thiểu rủi ro.