Hôm 26/2, sau thời gian dài trì hoãn, Quốc hội Hungary, thành viên cuối cùng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã phê chuẩn hồ sơ gia nhập khối quân sự của Thụy Điển với tỉ lệ ủng hộ áp đảo 188/194.

Động thái diễn ra sau chuyến thăm của Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson vào ngày 23/2, để thảo luận về hợp tác quốc phòng và an ninh với người đồng cấp Hungary Viktor Orban. Hai bên dường như đã hòa giải, đồng ý về một thỏa thuận vũ khí, theo đó Hungary sẽ mua 4 máy bay chiến đấu Gripen mới do Thụy Điển sản xuất.

“Hôm nay là một ngày lịch sử. Thụy Điển sẵn sàng gánh vác trách nhiệm của mình đối với an ninh Châu Âu-Đại Tây Dương.”, ông Kristersson bày tỏ ngay sau cuộc bỏ phiếu, cho biết, Thụy Điển từ giã 200 năm trung lập, không liên kết và đó là bước đi tất yếu.

leftcenterrightdel
 Quốc hội Hungary bỏ phiếu phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển ngày 26/2. Ảnh: Attila Kisbenedek/AFP/Getty.

Chính phủ của Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã phải đối mặt với áp lực từ các đồng minh NATO phải chấp thuận việc Thụy Điển gia nhập liên minh.

“Chúng tôi rất mong sớm được chào đón Thụy Điển cùng với Phần Lan gia nhập NATO.”, Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre bày tỏ, kỳ vọng Chính phủ Hungary nhanh chóng hoàn tất thủ tục cuối cùng cho phép Thụy Điển gia nhập NATO.

Trong khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Tư cách thành viên của Thụy Điển sẽ góp phần giúp tất cả chúng ta mạnh mẽ và an toàn hơn”.

Stockholm đã từ bỏ chính sách trung lập, không liên kết để tìm kiếm sự an toàn hơn trong NATO, sau khi Nga tiến hành chuộc chiến ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở chính phủ ở Stockholm, ngày 26/2, ngay sau khi Quốc hội Hungary bỏ phiếu phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập NATO. Nguồn: TT News Agency/Magnus Lejhall/Reuters.

Cùng với Phần Lan, sự gia nhập NATO của Thụy Điển, quốc gia không có chiến tranh kể từ năm 1814, là sự mở rộng đáng kể nhất của khối quân sự, kể từ khi tổ chức này tiếp nhận các thành viên từ Đông Âu sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.

Robert Dalsjo, nhà phân tích cấp cao tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển, đánh giá, NATO có được một thành viên nặng ký và có năng lực và điều này sẽ loại bỏ yếu tố bất ổn ở Bắc Âu.

Với việc trở thành thành viên NATO, Thụy Điển sẽ đưa các nguồn lực như tàu ngầm tiên tiến phù hợp với điều kiện Biển Baltic và một phi đội máy bay chiến đấu Gripen sản xuất trong nước khá lớn vào liên minh. 

Nước này cũng đã tăng chi tiêu quân sự đạt mức 2% GDP trong năm nay theo chỉ tiêu của NATO.

Ngày 18/5/2022, Thụy Điển và Phần Lan cùng nộp đơn xin gia nhập NATO. 

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson và người đồng cấp Hungary Viktor Orban tổ chức họp báo chung sau hội đàm tại Budapest, Hungary, ngày 23/2. Nguồn: Reuters/Bernadett Szabo.

Hồ sơ gia nhập liên minh của 2 quốc gia Bắc Âu, trong đó Phần Lan là quốc gia láng giềng có đường biên giới dài phía tây bắc Nga, đã nhanh chóng nhận được sự chấp thuận của tất cả các thành viên NATO, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. 

Các bên cuối cùng đã nhượng bộ và Phần Lan được chấp nhận là thành viên thứ 31 của NATO vào ngày 4/4.

Về nguyên tắc, việc gia nhập NATO của một quốc gia đòi hỏi phải có sự chấp thuận của tất cả các thành viên trong khối.

Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là những thành viên NATO duy nhất đã phản đối hồ sơ gia nhập NATO của Thụy Điển, do những bất đồng.

Sau hơn 20 tháng trì hoãn, ngày 23/1, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, nơi liên minh cầm quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan chiếm đa số, đã bỏ phiếu thông qua hồ sơ gia nhập NATO của Thụy Điển.

Thụy Điển sẽ chính thức gia nhập NATO sau khi Tổng thống Hungary phê chuẩn tư cách thành viên của Stockholm và văn kiện gia nhập được nộp cho chính phủ Mỹ, nơi lưu giữ Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Văn Phong/Reuters, CNN