Trong một cuộc phỏng vấn với đài RT đăng tải ngày 31/8, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng thảo luận về việc rút quân khỏi Syria, nhưng các điều khoản cụ thể vẫn chưa được thống nhất.

“Người Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng cho việc này, nhưng các thông số cụ thể vẫn chưa được thống nhất. Chúng tôi đang nói về sự trở về của người tị nạn Syria, về các biện pháp cần thiết để ngăn chặn mối đe dọa khủng bố, điều này sẽ khiến sự hiện diện của các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ trở nên không cần thiết.”, ông Lavrov nói.

Nhà ngoại giao hàng đầu Nga cho biết, theo chính phủ Syria, một quyết định rõ ràng về tiến trình rút quân Thổ Nhĩ Kỳ khỏi Syria là cần thiết để bình thường hóa quan hệ với Istanbul.

Trong khi trả lời phỏng vấn báo chí về những phát biểu gần đây của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan liên quan đến việc bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước, cựu Đại sứ Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ, Nidal Kabalan, cho biết, Tổng thống Syria Bashar Assad tuyên bố, việc rút quân Thổ Nhĩ Kỳ khỏi Syria không phải là điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán với Ankara.

“Tổng thống Assad muốn việc rút quân là kết quả của các cuộc đàm phán chứ không phải là điều kiện tiên quyết.”, ông Kabalan lưu ý, lạc quan rằng, có những dấu hiệu tích cực liên quan đến những nỗ lực bình thường hóa gần đây giữa Ankara và Damascus, bao gồm cả khả năng có cuộc gặp riêng giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của hai nước.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ thời điểm đó Recep Tayyip Erdogan (bên trái) gặp Tổng thống Syria Bashar Assad tại thành phố Aleppo ngày 6/2/2011. Ảnh: Reuters/SANA.

Vào tháng 7, ông Erdogan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chính thức mời nhà lãnh đạo Syria Assad, người từng là người bạn gần gũi của ông, thăm Ankara.

Trước đó, đầu tháng 10/2022, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nói, ông có thể gặp Tổng thống Syria Assad vào thời điểm thích hợp để củng cố các bước đi nhằm khôi phục quan hệ giữa hai bên.

Ông Kabalan cho biết, phát biểu của ông Assad phù hợp với thiện chí bình thường hóa quan hệ của ông Erdogan và thông điệp từ các nhà trung gian Nga và Iraq rằng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ rất nghiêm túc về vấn đề này.

Damascus phản đối sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng điều này vi phạm chủ quyền của họ.

Các bên liên quan ý thức rằng, bất kì sự bình thường hóa nào giữa Ankara và Damascus sẽ định hình lại cuộc nội chiến Syria kéo dài hàng thập kỉ.

Sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì phe đối lập ôn hòa của Syria tại vùng lãnh thổ lớn cuối cùng của lực lượng này ở phía tây bắc, sau khi bị quân chính phủ đánh bại trên khắp đất nước, với sự hỗ trợ của Nga và Iran.

leftcenterrightdel
 Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở TP Tukhar, Syria. Ảnh: AFP/Aref Tammawi.

Vào tháng 8/2022, trong cuộc gặp với người đồng cấp Syria Faisal Mekdad, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ khi đó Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh, Ankara sẽ tiếp tục thể hiện sự đoàn kết với người dân Syria và theo đuổi các nỗ lực tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng ở nước này.

Ankara và chính quyền của Tổng thống Assad có trụ sở ở Damascus đã tìm cách hòa giải vào năm 2023, thông qua các cuộc đàm phán do những quốc gia ủng hộ chính quyền ông Assad là Nga và Iran bảo trợ, nhưng cho đến nay, các cuộc gặp cấp bộ trưởng giữa hai bên vẫn chưa đạt được kết quả vững chắc.

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ- Syria xấu đi vào năm 1998 khi Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Syria hỗ trợ đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng mà Ankara cho rằng là mối đe dọa của nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng hậu thuẫn lực lượng đối lập ở Syria (Quân đội Syria tự do-FSA) và thực hiện các chiến dịch quân sự xuyên biên giới chống lại lực lượng dân quân người Kurd ở Syria (YPG), thiết lập một “vùng an toàn” ở miền Bắc Syria, nơi binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đồn trú.

Căng thẳng tiếp tục leo thang vào năm 2011, khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra đẩy dòng người di cư lên tới hơn 4 triệu người tràn sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Văn Phong/Dailysabah, TASS