Mỹ đang gửi một số thiết bị phòng không do Liên Xô sản xuất mà nước này bí mật mua từ nhiều thập kỷ trước để hỗ trợ quân đội Ukraine đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa và đường không của Nga, các quan chức Mỹ cho biết.

Trong số này có hệ thống tên lửa đất đối không chiến thuật tầm thấp và ngắn 9K33 Osa (Tên hiệu NATO là SA-8 Gecko), hệ thống vốn đã được sử dụng hàng chục năm trước và được xuất khẩu rộng rãi trên thế giới mà Mỹ đã tiếp cận.

Loại vũ khí này rất quen thuộc với quân đội Ukraine, vốn kế thừa sau khi Liên Xô tan rã.

Lầu Năm Góc từ chối bình luận về việc tiếp cận kho vũ khí Liên Xô ít được biết đến, trong đó một số được lưu giữ tại kho vũ khí Redstone ở Alabama.

leftcenterrightdel
Hệ thống tên lửa đất đối không chiến thuật tầm thấp và ngắn 9K33 Osa (SA-8). Ảnh: Sputnik / Evgeny Biyatov.

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã có được một số lượng đáng kể các hệ thống phòng thủ tên lửa của Liên Xô phục vụ mục đích nghiên cứu công nghệ và hỗ trợ hoạt động huấn luyện.

Năm 1994 một máy bay vận tải do Liên Xô sản xuất được nhìn thấy tại sân bay Huntsville, ở Madison, tiểu bang Alabama. Đáng lưu ý, chiếc máy bay được tiết lộ mang theo hệ thống phòng không S-300 mà Mỹ đã mua từ Belarus, như một phần của thương vụ bí mật trị giá 100 triệu USD.

Tuy nhiên một quan chức Mỹ cho biết, S-300 mua của Belarus không nằm trong số các hệ thống được gửi tới Ukraine.

Dự luật chi tiêu hàng năm của chính phủ Mỹ vừa được Quốc hội thông qua và được Tổng thống Biden ký thành luật, bao gồm điều khoản cho phép chính quyền chuyển giao cho quân đội Ukraine và các đối tác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương máy bay, đạn dược, phương tiện và các thiết bị khác trong kho dự trữ.

leftcenterrightdel
Tên lửa 9K33 sử dụng trên hệ thống phòng không Osa. Nguồn: Recomonkey. 

Ukraine đã sở hữu một số hệ thống phòng không của Nga, bao gồm cả S-300. Tuy nhiên, Kyiv đang cần nhiều hệ thống như vậy, có thể hoạt động ở tầm trung và tầm xa để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng máy bay và tên lửa của Nga. Hệ thống phòng không vác vai Stinger mà Mỹ và các quốc gia NATO đang cung cấp cho Ukraine chỉ có tác dụng chống lại máy bay trực thăng và máy bay bay thấp.

Mỹ hy vọng việc cung cấp thêm hệ thống phòng không sẽ cho phép Ukraine tạo ra một vùng cấm bay trên thực tế. 

Tuần trước Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có chuyến công du đến Slovakia để thăm dò khả năng nước này gửi S-300 cho Kyiv. Slovakia bày tỏ sẵn sàng một khi Mỹ cung cấp các hệ thống thay thế.

Các loại vũ khí do Mỹ sản xuất như hệ thống phòng không Patriot đang “cháy hàng” và cần quá trình đào tạo nhiều tháng để có thể vận hành. Các đơn vị Patriot của Đức và Hà Lan hiện đang được gửi đến Slovakia như một sự thay thế tạm thời.

Văn Phong/wsj