Tàu đổ bộ sứ mệnh Chandrayaan-3 của Cơ quan nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) mang theo một phương tiện thám hiểm tự hành đã hạ cánh thành công xuống bề mặt Mặt trăng lúc 18h04’, ngày 23/8, giờ địa phương, trong tiếng vỗ tay reo hò của các nhà khoa học tại trung tâm điều khiển mặt đất của ISRO ở Bengaluru phía nam Ấn Độ. 

Sau nỗ lực thất bại gần 4 năm trước, Ấn Độ đã làm nên lịch sử khi trở thành quốc gia thứ 4 đổ bộ thành công xuống Mặt trăng và là nước đầu tiên hạ cánh xuống Cực Nam của thiên thể.

leftcenterrightdel
 Khoảnh khắc tàu đổ bộ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đáp xuống Cực Nam Mặt trăng. Nguồn: Screengrab/ YouTube /Chandrayaan-3 Mission Soft.

Đây được coi là khu vực có lợi ích chiến lược và quan trọng bởi các nhà khoa học tin rằng, bên dưới các miệng hố bị che khuất vĩnh viễn tại đây có thể chứa các nguyên liệu hiếm và nước đóng băng, thứ có thể hỗ trợ các sứ mệnh phi hành gia trong tương lai.

“Chúng ta đã đáp xuống nhẹ trên Mặt trăng. Ấn Độ đang ở trên Mặt trăng,” Sreedhara Panicker Somanath, Chủ tịch ISRO bày tỏ sau khi các hình ảnh trực tuyến cho thấy tàu đổ bộ hạ cánh nhẹ nhàng xuống Mặt trăng.

leftcenterrightdel
 Các nhà khoa học tại trung tâm điều khiển mặt đất của ISRO ở Bengaluru phía nam Ấn Độ. Nguồn: Aljazeera/ISRO.

Năm 2019, nỗ lực hạ cánh tàu vũ trụ Chandrayaan-2 của Ấn Độ gần Cực Nam Mặt trăng để nghiên cứu băng nước bên dưới các miệng hố không nhận được ánh sáng mặt trời vốn được sứ mệnh Chandrayaan-1 xác nhận vào năm 2008, đã kết thúc thất bại khi tàu đổ bộ rơi trong quá trình hạ cánh. Sự cố được xác định là do trục trặc phần mềm. 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người đã theo dõi trực tuyến cuộc hạ cánh khi ông đang ở Nam Phi tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS, gọi sự kiện là ngày lịch sử đối với lĩnh vực không gian vũ trụ của đất nước. Tuy nhiên ông bày tỏ, đây không phải là thành tựu riêng của Ấn Độ.

leftcenterrightdel
 Sự kiện hạ cánh được phát trực tiếp. Ảnh: Amit Dave / Reuters.

“Thành công này thuộc về toàn thể nhân loại và nó sẽ hỗ trợ các sứ mệnh Mặt trăng của các quốc gia khác trong tương lai.”, ông Modi phát biểu.

Nỗ lực của Ấn Độ nhằm hạ cánh tàu vũ trụ gần Cực Nam Mặt trăng diễn ra chỉ vài ngày sau khi nỗ lực tương tự của Nga không thành công. Tàu vũ trụ Luna-25 đã rơi xuống Mặt trăng và bị phá hủy vào ngày 19/8 do mất kiểm soát trong khi hạ cánh.

leftcenterrightdel
 Các nhà báo theo dõi sự kiện. Ảnh: AP/Ajaz Rahi.

Phi thuyền của Ấn Độ bao gồm ba phần, tàu đổ bộ Vikram nặng khoảng 1.700 kg, phương tiện thám hiểm tự hành 6 bánh Pragyan nặng 26 kg và mô đun động cơ đẩy, cung cấp lực đẩy cho tàu vũ trụ để tiếp cận Mặt trăng.

Phương tiện thám hiểm tự hành Pragyan chứa bên trong tàu đổ bộ Vikram, được trang bị các dụng cụ khoa học, dự kiến sẽ hoạt động trong khoảng hai tuần trên Mặt trăng, tiến hành thu thập dữ liệu để giúp các nhà nghiên cứu phân tích thành phần bề mặt thiên thể cũng như tiến hành các hoạt động đo địa chấn nhằm phát hiện các trận động đất bên trong Mặt trăng.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh và vị trí tàu đổ bộ sứ mệnh Chandrayaan-3 hạ cánh. Nguồn: Aljazeera. 

Mô đun động cơ đẩy sẽ vẫn ở trên quỹ đạo, đóng vai trò là điểm chuyển tiếp để truyền dữ liệu về Trái đất.

Nhiều quốc gia và công ty tư nhân trên thế giới đang ráo riết chạy đua để đáp tàu vũ trụ xuống Mặt trăng. 

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chứng kiến khoảnh khắc lịch sử/ISRO

Vào tháng 4, tàu vũ trụ của một công ty Nhật Bản dường như đã bị rơi khi cố gắng hạ cánh xuống Mặt trăng. Một tổ chức phi lợi nhuận của Israel đã cố gắng đạt được mục tiêu tương tự vào năm 2019, nhưng tàu vũ trụ của họ đã bị phá hủy khi va chạm.

Trong những năm tới, NASA có kế hoạch đưa các phi hành gia đáp xuống Cực Nam Mặt trăng, cùng với mục tiêu tìm kiếm nguồn nước đóng băng, bước cơ sở trong mục tiêu lâu dài xây dựng căn cứ của con người trên Mặt trăng.

Văn Phong/AP, CNN, Aljazeera