Tên lửa Hệ thống Phóng Không gian (SLS) dài 98 m, tên lửa mạnh nhất từng được NASA chế tạo, đã sẵn sàng cất cánh hôm nay 29/8, từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida, Mỹ, trong chương trình Artemis, thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người trên Mặt trăng cũng như đặt một tiền đồn trên quỹ đạo Mặt trăng (Gateway).

SLS sẽ đưa tàu vũ trụ Orion, một khoang rỗng đặt một phi hành đoàn mô hình vào quỹ đạo Mặt trăng và quay quanh quỹ đạo này trong 6 tuần. Sự kiện đánh dấu nửa thế kỷ sau chương trình Apollo của NASA, đưa 12 phi hành gia lên Mặt trăng.

leftcenterrightdel
 Tên lửa Hệ thống Phóng Không gian (SLS) và tàu vũ trụ Orion trên bệ phóng. Nguồn: AP.

Trong suốt 42 ngày của sứ mệnh Artemis 1, tàu vũ trụ sẽ trải qua hành trình 2,1 triệu km và dự kiến sẽ quay trở về Trái đất, rơi xuống Thái Bình Dương ngoài khơi bờ biển San Diego, Mỹ vào ngày 10/10.

Nếu chuyến bay thử nghiệm này diễn ra suôn sẻ, đây sẽ là cơ hội để thực hiện bước tiếp theo (Artemis II), đưa con người trở lại quỹ đạo Mặt trăng vào năm 2024

leftcenterrightdel
 Tàu vũ trụ Orion gắn trên đỉnh SLS. Ảnh: NASA / Frank Michaux.

Hôm 28/8, 5 tia sét trong cơn giông đã đánh trúng các tháp chống sét cao 183m của bệ phóng, tuy nhiên các chuyên gia NASA cho biết, các vụ tấn công có cường độ thấp và cả tên lửa, tàu vũ trụ và các hệ thống trên mặt đất đều không bị ảnh hưởng.

Các phi hành gia của chuyến bay sẽ là 3 hình nộm thử nghiệm, được gắn hơn 1.000 cảm biến để đo độ rung, gia tốc và bức xạ, một trong những mối nguy hiểm lớn nhất đối với con người trong không gian sâu. 

leftcenterrightdel
 Phi hành đoàn gồm 3 phi hành gia mô hình gắn cảm biến trong tàu vũ trụ Orion của sứ mệnh Artemis 1. Nguồn: crast.net

Theo NASA, trong chương trình Artemis, các phi hành gia sẽ thực hiện các nhiệm vụ trong không gian sâu trong thời gian dài để kiểm tra tất cả các giới hạn khám phá.

“Chúng tôi sẽ quay trở lại Mặt trăng để học cách sống sót, làm việc và tồn tại.”, quản trị viên NASA Bill Nelson cho biết trong một cuộc họp báo vào đầu tháng 8.

leftcenterrightdel
 Artemis 1 sẽ bay xung quanh quỹ đạo Mặt trăng. Nguồn: eoPortal

Theo ông Nelson, con người sẽ học cách sử dụng các nguồn tài nguyên trên Mặt trăng để trước hết có thể tồn tại lâu dài tại đây, tiếp đến có thể khai thác các nguồn năng lượng từ Mặt trăng để chuẩn bị cho mục tiêu hạ cánh lên sao Hỏa.

Theo kế hoạch, chuyến bay tiếp theo của sứ mệnh Artemis sẽ diễn ra vào đầu năm 2024, sẽ chứng kiến 4 phi hành gia bay quanh Mặt trăng. 

leftcenterrightdel
 Mô phỏng hành trình của sứ mệnh Artemis 1. Nguồn: NASA.

Artemis III, dự kiến vào cuối năm 2025 với mục tiêu đưa người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên tiếp cận cực nam chưa từng được khám phá của Mặt trăng, nơi các miệng núi lửa bị che khuất vĩnh viễn, được cho là chứa băng và các nguồn tài nguyên khác có thể nuôi sống các phi hành gia trong những chuyến du hành dài ngày trên Mặt trăng trong tương lai.

Văn Phong/CNN, AP, NASA