Sau nhiều lần trì hoãn do rò rỉ nhiên liệu hydro và những trở ngại kỹ thuật khác, vào lúc 1h47’ sáng, ngày 16/11, giờ địa phương (13h47’, giờ Việt Nam), hệ thống Phóng Không gian (SLS) hay tên lửa đẩy vũ trụ Mặt trăng khổng lồ của Cơ quan Vũ trụ Mỹ NASA, đã rời bệ phóng từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Floria, hướng tới Mặt trăng.

Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên không người lái (Artemis 1) kéo dài 3 tuần, nhằm mục đích phóng tàu vũ trụ Orion, một khoang rỗng đặt một phi hành đoàn mô hình gắn các cảm biến nghiên cứu lên quỹ đạo Mặt trăng. Sự kiện đánh dấu nửa thế kỷ sau chương trình Apollo của NASA, đưa 12 phi hành gia lên Mặt trăng.

Được đặt theo tên Nữ thần Artemis, người chị song sinh của thần ánh sáng Apollo trong thần thoại Hy Lạp cổ đại, sứ mệnh Artemis đặt mục tiêu đưa con người trở lại Mặt trăng sớm nhất là vào năm 2025.

leftcenterrightdel
 Tên lửa Mặt trăng trên bệ phóng, ngày 15/11. Ảnh: Reuters/Joe Skipper.

Chương trình Mặt trăng mới đã thu hút được các đối tác thương mại như Tập đoàn Công nghệ Khai phá Không gian SpaceX của tỉ phú Elon Musk và các cơ quan vũ trụ của Châu Âu, Canada và Nhật Bản, mục tiêu thiết lập một căn cứ lâu dài trên Mặt trăng như một bước đệm cho những chuyến du hành đầy tham vọng hơn nữa của con người  bay tới sao Hỏa, vào cuối những năm 2030 hoặc đầu những năm 2040.

Mười hai phi hành gia đã đáp xuống và đi bộ trên Mặt trăng trong 6 sứ mệnh, từ năm 1969 đến năm 1972, trong chương trình Apollo, vốn sinh ra từ cuộc chạy đua không gian giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.

leftcenterrightdel
 Tên lửa Mặt trăng rời bệ phóng đưa tàu vũ trụ hướng tới Mặt trăng. Ảnh: Reuters/Joe Skipper.

Trong đó, ngày 20/7/1969, trong sứ mệnh Apollp 11, chuyến bay có người lái thứ 5 tới Mặt trăng, hai phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin trở thành những người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng.

Việc phóng SLS là bước quan trọng đầu tiên (Artemis I), nhằm đưa tàu vũ trụ Orion nặng gần 2,6 tấn lên quỹ đạo Mặt trăng và trở về Trái đất, một chuyến bay thử nghiệm khả năng chịu tải của tàu vũ trụ cũng như đo mức độ bức xạ và những tác động khác mà các phi hành gia sẽ phải trải qua thông qua các cảm biến gắn trên mô hình.

Mục tiêu hàng đầu là kiểm tra độ bền của tấm chắn nhiệt của Orion (được thiết kế để chịu được ma sát làm tăng nhiệt độ bên ngoài tàu vũ trụ lên gần 2.760 độ C), trong quá trình tàu vũ trụ quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất với tốc độ 39.429 km/h, hay gấp 32 lần tốc độ âm thanh.

leftcenterrightdel
 Tên lửa Mặt trăng cao 98 m mạnh nhất từng được NASA chế tạo trong sứ mệnh đưa con người trở lại Mặt trăng. Ảnh: NASA.

Tàu vũ trụ cũng được thiết lập để thả 10 vệ tinh khoa học thu nhỏ CubeSats, bao gồm một vệ tinh được thiết kế để lập bản đồ các lớp băng ở cực nam của Mặt trăng, nơi Artemis tìm cách đổ bộ các phi hành gia.

Nếu chuyến bay thử nghiệm này diễn ra suôn sẻ, đây sẽ là cơ hội để thực hiện bước tiếp theo (Artemis II), đưa con người trở lại quỹ đạo Mặt trăng vào năm 2024

Artemis III, dự kiến vào cuối năm 2025 với mục tiêu đưa người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên tiếp cận cực nam chưa từng được khám phá của Mặt trăng, nơi các miệng núi lửa bị che khuất vĩnh viễn, được cho là chứa băng và các nguồn tài nguyên khác có thể nuôi sống các phi hành gia trong những chuyến du hành dài ngày trên Mặt trăng trong tương lai.

leftcenterrightdel
 Trong thử nghiệm Artemis 1, tàu vũ trụ Orion sẽ tiếp cận và bay quanh quỹ đạo Mặt trăng. Nguồn: NASA.

Việc đưa các phi hành gia lên sao Hỏa, một nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều so với việc hạ cánh xuống Mặt trăng, dự kiến sẽ mất ít nhất một thập kỉ rưỡi nữa để đạt được.

Hơn một thập kỷ phát triển với nhiều năm trì hoãn và bội chi, tàu vũ trụ SLS-Orion cho đến nay đã tiêu tốn của NASA ít nhất 37 tỉ đô la, bao gồm thiết kế, xây dựng, thử nghiệm và cơ sở vật chất trên mặt đất.  NASA dự kiến tổng chi phí cho sứ mệnh Artemis là 93 tỉ USD vào năm 2025.

leftcenterrightdel
 Mô phỏng hành trình sứ mệnh Artemis I của NASA. Nguồn: NASA.

Theo NASA khoảng 15.000 người đã trực tiếp chiêm ngưỡng sự kiện tại địa điểm phóng.

SLS dài 98 m, đường kính 8,4 m, là tên lửa mạnh nhất từng được NASA chế tạo, có lực đẩy 4 triệu kg, mạnh hơn cả tàu con thoi hay tên lửa vũ trụ Saturn V mạnh mẽ đã đưa con người lên Mặt trăng. 

leftcenterrightdel
 Sơ đồ hành trình của Orion trong sứ mệnh Artemis 1. Nguồn: NASA/ AP.

Orion dự kiến sẽ đến Mặt trăng vào ngày 21/11, cách Trái đất hơn 370.000 km. Sau khi tiếp cận quỹ đạo cách bề mặt Mặt trăng 130 km, tàu vũ trụ sẽ bay quãng đường 64.000 km trên quỹ đạo Mặt trăng.

Trong khi đó, SpaceX của Elon Musk đang nỗ lực phát triển nguyên mẫu phi thuyền sử dụng nhiều lần Starship để đưa con người và hàng hóa lên Mặt trăng và sau đó là sao Hỏa, trong đó đặt mục tiêu chuyến bay đầu tiên đưa con người lên Mặt trăng vào năm 2025.

Tiếp sau, các phi hành gia của SpaceX sẽ chính thức đặt chân lên hành tinh Đỏ, trong sứ mệnh lâu dài chinh phục sao Hỏa của nhân loại. 

Musk tuyên bố ông muốn thành lập một “thuộc địa” của loài người trên sao Hỏa vào năm 2040, với dân số khoảng 80.000 người.

Văn Phong/Reuters, NASA, AP