Phi hành gia NASA William Anders, thành viên của phi hành đoàn Apollo 8 năm 1968, ba người đầu tiên bay quanh quỹ đạo Mặt trăng, đã qua đời ở tuổi 90, trong một vụ tai nạn máy bay ở bang Washington, theo con trai ông, Trung tá Không quân đã nghỉ hưu Gregory Anders.

“Bố tôi đã qua đời trong một sự cố máy bay ở Quần đảo San Juan. Gia đình suy sụp và đau buồn trước sự ra đi đột ngột của một phi công vĩ đại.”, Anders cho biết vào tối 7/6.

Trong một thông cáo báo chí, Văn phòng Cảnh sát trưởng Hạt San Juan cho biết, một chiếc máy bay đã rơi ngoài khơi đảo Jones, phía bắc Seattle.

leftcenterrightdel
 Bức ảnh “Trái đất mọc”, do phi hành gia William Anders chụp trong sứ mệnh Apollo 8, làm thay đổi cách nhìn của loài người về hành tinh Trái đất. Ảnh: NASA/ Anders.

Văn phòng Cảnh sát trưởng cho biết, trung tâm điều phối nhận được báo cáo ban đầu vào khoảng 11h40’ giờ địa phương, trong đó cho biết chiếc T-34 Mentor một động cơ cổ điển đã lao xuống vùng biển phía bắc đảo Jones và bị chìm.

Lực lượng Tuần duyên Mỹ sau đó thông báo, thi thể của phi công đã được đội lặn tìm thấy chiều cùng ngày, sau cuộc tìm kiếm kéo dài hàng giờ.

Theo Học viện Hải quân Mỹ, William Anders sinh năm 1933 tại Hồng Kông, nơi ông sống với mẹ mình, Muriel Adams Anders, trong khi cha ông, Trung úy Arthur Anders, sĩ quan Hải quân chuyên nghiệp đang phục vụ trên pháo hạm USS Panay tuần tra dọc sông Dương Tử của Trung Quốc.

Ông tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ năm 1955 và nhận bằng phi công vào năm sau, sau khi gia nhập Không quân.

leftcenterrightdel
 Cựu phi hành gia, thiếu tướng William Anders, trong một sự kiện tại Washington, Mỹ, ngày 20/7/2004. Ảnh AP/Manuel Balce Ceneta.

Theo NASA, Anders từng là phi công chiến đấu trong lực lượng không quân, gia nhập NASA năm 1963 và làm phi công dự bị cho sứ mệnh Gemini 11 năm 1966 và chuyến bay Apollo 11 năm 1969.

Vào ngày 21/12/1968 trên tàu Apollo 8, Anders cùng các phi hành gia James Lovell và chỉ huy sứ mệnh Frank Borman, người đã qua đời vào tháng 11/2023, đã thực hiện chuyến bay lịch sử, là tàu vũ trụ có người lái đầu tiên rời khỏi quỹ đạo Trái Đất, đến Mặt trăng, quay xung quanh Mặt trăng và quay trở lại Trái đất an toàn.

Sứ mệnh Apollo 8 ban đầu dự kiến thực hiện vào năm 1969, đã diễn ra sớm hơn vì lo ngại Liên Xô sẽ tới Mặt trăng trước, trong một sứ mệnh tương tự được lên kế hoạch vào cuối năm 1968. Tình huống khiến phi hành đoàn Apollo 8 chỉ có vài tháng để huấn luyện cho sứ mệnh lịch sử đầy rủi ro.

leftcenterrightdel
 Tàu vũ trụ Apollo 8 phóng bởi tên lửa Saturn từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida, ngày 21/12/1968. Nguồn: NASA / AP.

Trong khi Apollo 8 được phóng bởi tên lửa đẩy Saturn V chưa từng được sử dụng trên chuyến bay có phi hành đoàn và chỉ được thử nghiệm hai lần trước đó, điều khiến tàu vũ trụ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn khi đi vào và rời khỏi quỹ đạo Mặt trăng một cách an toàn.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 1997, William Anders cho biết, khi thực hiện sứ mệnh, đội bay tự tin tuy nhiên cũng ý thức rõ mức độ rủi ro của chuyến bay, rằng 1/3 khả năng họ sẽ.. một đi không trở lại.

Vào đêm Giáng sinh năm 1968, trọng tâm của các phi hành gia vốn tập trung vào Mặt trăng thay đổi đột ngột khi Trái đất bắt đầu nhô lên phía đường chân trời bề mặt Mặt trăng.

leftcenterrightdel
 Phi hành gia Anders trên quỹ đạo trong sứ mệnh Mặt trăng Apollo 8. Nguồn: NASA.

Sử dụng ống kính tê lê và phim màu, Anders đã chụp được bức ảnh mà ngày nay được gọi là "Trái đất mọc".

Phi hành gia mô tả khoảnh khắc nhìn thấy Trái đất, một quả cầu đầy sắc màu, lung linh và nhỏ bé giống như một vật trang trí cây thông Noel xuất hiện tương phản trên khung cảnh bề mặt Mặt trăng thô nhám.

“Đột nhiên tôi nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy một quả cầu tuyệt đẹp đang nhô lên. Đối với tôi, nó khiến tôi nhận ra rằng Trái đất thật nhỏ bé, mỏng manh và không phải là trung tâm của vũ trụ.”, Anders mô tả.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh phi hành gia Anders Apollo 8 nhìn ra ngoài cửa sổ tàu vũ trụ và chụp được bức ảnh Trái đất mọc nổi tiếng. Nguồn: NASA / AP.

Bức ảnh ghi lại một cách sống động cả vẻ đẹp lẫn sự mong manh của Trái đất trong không gian vô cùng, được coi là một trong những bức ảnh có ảnh hưởng nhất trong lịch sử, đã thay đổi cách con người nhìn nhận hành tinh này. Bức ảnh được cho là đã khơi dậy phong trào môi trường toàn cầu vì cho thấy Trái đất trông mỏng manh và đơn độc như thế nào trong không gian.

Anders đã có câu nói nổi tiếng: “Chúng tôi đã lặn lội đến Mặt trăng để tìm ra Trái đất”.

Ba phi hành gia được chào đón như những anh hùng khi họ đáp xuống Thái Bình Dương ba ngày sau đó, và được Tạp chí Time vinh danh là “Những người đàn ông của năm” vào năm 1968.

leftcenterrightdel
 Từ trái sang phải, 3 cựu phi hành gia Apollo 8 Frank Borman, William Anders và James Lovell ngày 10/12/1993, trong dịp kỷ niệm 25 năm sứ mệnh Apollo 8. Ảnh: AP/John Swart.

Sứ mệnh của họ đã mở đường cho chuyến đổ bộ lên bề mặt Mặt trăng đầu tiên của Apollo 11 bảy tháng sau đó, đảm bảo chiến thắng của Mỹ trong cuộc chạy đua không gian trong Chiến tranh Lạnh với Liên Xô.

Bày tỏ trên trang cá nhân hôm 7/5, Giám đốc NASA Bill Nelson cho biết, Bill Anders đã cống hiến cho nhân loại một trong những món quà ý nghĩa nhất mà một phi hành gia có thể làm được.

“Bill Anders đã thay đổi mãi mãi quan điểm của chính chúng ta về hành tinh với bức ảnh Trái đất mọc nổi tiếng của ông trên tàu Apollo 8,” Thượng nghị sĩ bang Arizona Mark Kelly, cũng là một cựu phi hành gia NASA, bày tỏ.

Văn Phong/CNN, Reuters, AP