Hôm 17/9, Paris đã triệu hồi các đại sứ từ Mỹ và Úc để tham vấn về việc Canberra chấm dứt hợp đồng tàu ngầm với Tập đoàn Hải quân Pháp. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, nhấn mạnh, quyết định bất thường này phản ánh mức độ nghiêm trọng đặc biệt của các tuyên bố được nhóm 3 nước đưa ra ngày 15/9.
Hôm 16/9, Australia cho biết họ sẽ hủy hợp đồng tàu ngầm trị giá 40 tỉ USD với Tập đoàn Hải quân Naval Group của Pháp nhằm xây dựng một hạm đội tàu ngầm diesel-điện, thay vào đó sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với công nghệ của Mỹ và Anh. Quyết định được đưa ra sau khi Whashington, London và Canberra đạt được thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên AUKUS. Trước động thái, Pháp gọi đó là cú đâm sau lưng.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết, Mỹ lấy làm tiếc về quyết định của Pháp và Washington đã liên hệ chặt chẽ với Paris về vụ việc để giải quyết những “khác biệt” với Pháp.
|
|
Tàu ngầm USS South Dakota (SSN 790), thuộc lớp Virginia, một trong những tàu ngầm hạt nhân mới nhất và tiên tiến nhất của Hải quân Hoa Kỳ. Ảnh: US Navy. |
Một nguồn tin ngoại giao ở Pháp cho biết, đây là lần đầu tiên Paris triệu hồi các đại sứ theo cách thức như vậy từ các đồng minh. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pháp không đề cập đến Anh, nhưng nguồn tin ngoại giao cho biết, Pháp coi Anh đã tham gia thỏa thuận một cách cơ hội.
Hôm 18/9, Ngoại trưởng Pháp Le Drian cho rằng, việc từ bỏ dự án tàu ngầm để tìm kiếm một dự án tàu ngầm khác... và tuyên bố về mối quan hệ đối tác mới với Mỹ là hành vi không thể chấp nhận được giữa các đồng minh và đối tác, trong khi họ đều là thành viên trong một liên minh và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương quan trọng với tất cả.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 16/9 đã cố xoa dịu sự bực dọc của Paris, gọi Pháp là một đối tác chủ chốt ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã bác bỏ những lời chỉ trích từ Pháp rằng, họ không được cảnh báo trước về thỏa thuận mới và cho biết, trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Macron hồi tháng 6, ông đã nêu ra khả năng việc Canberra có thể hủy bỏ thỏa thuận tàu ngầm năm 2016 với Naval Group.
|
|
Phòng ăn bên trong tàu ngầm hạt nhân USS South Dakota của Hải quân Hoa Kỳ. Ảnh: US Navy. |
Đề cập đến thương vụ tàu ngầm, Ngoại trưởng Australia Marise Payne bày tỏ chia sẻ với tổn thương và sự thất vọng từ Pháp; nhấn mạnh, về sự điều chỉnh chiến lược của Canberra và Pháp vẫn là một đồng minh quan trọng.
Pierre Morcos, một thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington (CSIS), gọi động thái của Pháp là "chưa từng có".
“Những lời trấn an từ Ngoại trưởng Mỹ Blinken là không đủ đối với Paris, đặc biệt sau khi các nhà chức trách Pháp biết rằng, thỏa thuận này đã được thực hiện trong nhiều tháng.”, ông Morcos nói.
Đài phát thanh France Info lưu ý, thỏa thuận ký kết với Canberra năm 2016 là rất lớn về mặt kinh tế và địa chính trị. Việc hủy bỏ nó đã gây ra một cú sốc cho nhà nước và ngành công nghiệp Pháp.
Trong một cuộc họp báo hôm 15/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã công bố mối quan hệ đối tác quốc phòng và an ninh mới mang tên AUKUS. Sáng kiến đầu tiên sẽ là xây dựng hạm đội tàu ngầm hạt nhân cho Hải quân Australia.