Hôm 16/9, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết nước này sẽ hủy bỏ hợp đồng trị giá 40 tỉ USD đã ký năm 2016 với Tập đoàn Hải quân Naval Group của Pháp nhằm xây dựng một hạm đội 12 tàu ngầm thông thường, thay vào đó sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với công nghệ của Mỹ và Anh, sau khi 3 quốc gia đạt được thỏa thuận hình thành quan hệ đối tác quân sự ba bên, một liên minh có tên Aukus, được công bố hôm 15/9.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian bày tỏ sự bất bình về quyết định không được báo trước từ Australia, mô tả quyết định này như một “nhát đâm sau lưng”.

leftcenterrightdel
Một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Astute của Anh. Ảnh: BQP Anh. 

Hôm 16/9, Thủ tướng Australia Morrison cho biết, Paris thực tế đã được thông báo trước đó về quyết định của Canberra nhưng Pháp bác bỏ điều đó.

Hôm 17/9, ông Morrison thừa nhận sự rút lui trong thương vụ tàu ngầm gây tổn hại quan hệ Úc-Pháp, tuy nhiên khẳng định, ông đã trao đổi vấn đề với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tháng 6 về khả năng Australia sẽ phải đưa ra quyết định khác trong thỏa thuận tàu ngầm với Paris, do Canberra đã điều chỉnh chiến lược của mình.

"Chúng tôi đã có một bữa ăn tối cùng nhau ở Paris và tôi đã nói rõ ràng mối băn khoăn lớn của chúng tôi về khả năng của các tàu ngầm thông thường, trong việc đối phó với môi trường chiến lược mới mà chúng tôi đang đối mặt. Tôi đã nói rõ, đây là vấn đề mà Australia cần phải đưa ra quyết định vì lợi ích quốc gia của chúng tôi.", ông Morrison nói với báo chí.

Mối quan hệ căng thẳng Australia-Pháp diễn ra khi Mỹ và các đồng minh tìm kiếm thêm sự hỗ trợ ở Châu Á và Thái Bình Dương trong bối cảnh lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của đối thủ tại đây.

Huy Anh (theo Reuters)