Ngày 25/7, Bộ Ngoại giao Palestine ra tuyên bố hoan nghênh quyết định của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc công nhận Nhà nước Palestine.

Tuyên bố nhấn mạnh, động thái thể hiện cam kết của Pháp đối với luật pháp quốc tế và giải quyết xung đột thông qua các biện pháp chính trị, phù hợp với giải pháp hai nhà nước và các nghị quyết liên quan của Liên Hợp Quốc (LHQ), nhằm đạt được hòa bình trong khu vực.

Tuyên bố bày tỏ sự biết ơn đối với cá nhân Tổng thống Macron và nhân dân Pháp về “quyết định lịch sử”!.

Bộ Ngoại giao Palestine cũng kêu gọi các quốc gia khác công nhận Nhà nước Palestine, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tích cực ủng hộ giải pháp hai nhà nước tại hội nghị LHQ sắp tới tại New York, Mỹ.

“Bộ Ngoại giao Palestine coi quyết định này là một thắng lợi cho hoạt động ngoại giao do Tổng thống Mahmoud Abbas dẫn đầu, cũng như cho những nỗ lực của các quốc gia Ả Rập thân thiện trong việc ủng hộ các quyền chính đáng và hợp pháp của người dân Palestine, đặc biệt là những nỗ lực của Ả Rập Xê Út trong việc đảm bảo sự công nhận quốc tế rộng rãi hơn đối với Nhà nước Palestine.”, tuyên bố nhấn mạnh.

Phong trào kháng chiến Hồi giáo Palestine ở Gaza Hamas ca ngợi động thái này là một “bước tiến tích cực” hướng tới công lý và quyền tự quyết cho người Palestine.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (bên trái) và Tổng thống Pháp Macron tại New York, Mỹ, ngày 24/9/2019. Nguồn: Wafa.

Nhóm này cho biết điều này phản ánh “sự ủng hộ ngày càng tăng trên toàn cầu” đối với sự nghiệp của người Palestine và gọi đó là “một đòn giáng vào nỗ lực bóp méo sự thật của Israel”.

Trước đó, thông báo trên trang cá nhân ngày 24/7, Tổng thống Pháp Macron tuyên bố, Paris sẽ chính thức công nhận Nhà nước Palestine tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ vào tháng 9 tới.

“Trung thành với cam kết lịch sử về một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Trung Đông, tôi đã quyết định là Pháp sẽ công nhận Nhà nước Palestine. Tôi sẽ long trọng tuyên bố điều này tại Đại hội đồng LHQ vào tháng 9 tới.”, Tổng thống Pháp tuyên bố.

Ông Macron nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết hiện nay là chấm dứt chiến tranh tại Dải Gaza và hỗ trợ dân thường.

“Chúng ta cũng cần đảm bảo việc phi quân sự hóa phong trào Hamas, đảm bảo an ninh và tái thiết Gaza. Cuối cùng, chúng ta phải thành lập Nhà nước Palestine, bảo đảm khả năng tồn tại của nó và cho phép nước này góp phần vào việc đảm bảo an ninh cho toàn bộ Trung Đông thông qua việc phi quân sự hóa và công nhận đầy đủ Nhà nước Israel”, ông Macron viết.

Tổng thống Pháp cũng đăng kèm bức thư gửi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, trong đó khẳng định quyết tâm công nhận Nhà nước Palestine.

“Điều cấp thiết là hiện thực hóa giải pháp khả thi duy nhất, giải pháp có thể đáp ứng những khát vọng chính đáng của người dân Palestine, đặt dấu chấm hết đối với chủ nghĩa khủng bố và bạo lực dưới mọi hình thức, đồng thời cho phép Israel cũng như tất cả các quốc gia trong khu vực được sống trong hòa bình và an ninh.”, ông Macron nêu rõ.

leftcenterrightdel
 Phát biểu ngày 25/7, Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố, nỗi đau khổ và nạn đói đang diễn ra ở Gaza là không thể diễn tả, không thể biện minh và thảm họa nhân đạo này phải chấm dứt. Ảnh: Paul Currie /Getty.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh rằng, Paris sẽ theo dõi việc Palestine thực hiện các cam kết liên quan đến việc chấm dứt chiến sự tại Gaza và việc chính quyền Palestine tiếp nhận đầy đủ các chức năng về chủ quyền trên toàn bộ lãnh thổ Palestine, bao gồm cả Dải Gaza.

Ông Macron đồng thời kêu gọi tiến hành cải cách sâu rộng và tổ chức các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Palestine vào năm 2026, nhằm củng cố tính chính danh và quyền lực của Nhà nước Palestine trong tương lai, một nhà nước đúng như cam kết của phía Palestine là sẽ không được quân sự hóa.

Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Pháp, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chỉ trích quyết định của ông Macron, xem đây là một “phần thưởng cho khủng bố”, ám chỉ cuộc tấn công của phong trào kháng chiến Hồi giáo Palestine ở Gaza Hamas vào miền Nam Israel ngày 7/10/2023 khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và 250 người khác bị bắt làm con tin, kích hoạt hoạt động quân sự kéo dài của Israel ở Gaza khiến khoảng gần 60.000 người thiệt mạng, theo Cơ quan Y tế Gaza.

Mỹ, đồng minh thân cận của Israel tuyên bố kiên quyết bác bỏ kế hoạch của Pháp, xem đây là một quyết định liều lĩnh làm suy yếu hòa bình.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố: “Đây là một cái tát vào mặt các nạn nhân của ngày 7/10/2023”.

Trước quyết định của Pháp, cường quốc hàng đầu châu Âu, nhiều nước khác cũng đã ám chỉ rằng họ có thể làm như vậy.

leftcenterrightdel
 Hơn 100 người Palestine ở Gaza được báo cáo đã chết đói do tình trạng thiếu thực phẩm kéo dài. Ảnh: Omar al-Qattaa.

Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố, ông sẽ có cuộc điện đàm với các đối tác ở Đức và Pháp về những nỗ lực chấm dứt giao tranh, đồng thời cho biết thêm rằng, lệnh ngừng bắn sẽ “đưa chúng ta đến con đường công nhận nhà nước Palestine”.

Cùng với một số quốc gia ngoài châu Âu khác, Na Uy, Tây Ban Nha, Ireland và Slovenia đều tuyên bố công nhận Nhà nước Palestine sau khi xung đột ở Gaza bùng nổ.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, quốc gia đã công nhận Nhà nước Palestine, hoan nghênh thông báo của ông Macron, gọi giải pháp hai nhà nước là hướng đi duy nhất.

Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Pháp là “lịch sử” và kêu gọi các quốc gia khác làm theo.

Pháp sẽ trở thành quốc gia G7 đầu tiên chính thức công nhận Palestine. Hiện tại, 149/193 quốc gia thành viên LHQ công nhận hoặc có kế hoạch công nhận Nhà nước Palestine, theo Dailysabah.

Vào tháng 9, Pháp cùng với Ả Rập Xê Út sẽ đồng chủ trì một hội nghị quốc tế cấp nguyên thủ quốc gia và chính phủ nhằm khôi phục giải pháp hai nhà nước cho Palestine và Israel.

Hội nghị này, vốn dự kiến diễn ra vào tháng 6, đã bị hoãn lại do chiến tranh giữa Israel và Iran.

Văn Phong/Wafa, Sputnik, Timesofissrael