Ngày 9/4, phát biểu trên kênh truyền hình France 5, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết, Paris có thể công nhận nhà nước Palestine trong những tháng tới; lưu ý, ông muốn hoàn tất mục tiêu này tại hội nghị của LHQ về xung đột Israel-Palestine vào tháng 6 tới, mà Pháp và Ả Rập Xê Út sẽ đồng chủ trì.

“Chúng ta phải hướng đến sự công nhận và chúng ta sẽ làm như vậy trong những tháng tới. Tôi không làm điều này để làm hài lòng bất kỳ ai. Tôi sẽ làm điều này vì đến một lúc, đây sẽ điều đúng đắn.”, ông Macron nói.

Phát biểu với hãng thông tấn AFP sau tuyên bố của ông Macron, Ngoại trưởng Palestine, Varsen Aghabekian Shahin, nói rằng, động thái công nhận của Pháp sẽ là một bước đi đúng hướng nhằm bảo vệ quyền của người dân Palestine và giải pháp hai nhà nước đã được Đại hội đồng LHQ thông qua tại Nghị quyết 181, ngày 29/11/1947.

Trong khi Ngoại giao Israel, Gideon Saar, nói rằng, bất kỳ sự công nhận đơn phương nào đối với nhà nước Palestine cũng sẽ là “phần thưởng cho chủ nghĩa khủng bố” và là động lực cho phong trào kháng chiến Hamas.

leftcenterrightdel
 Ông Macron thị sát kho hàng viện trợ nhân đạo cho Gaza của Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Ai Cập ở thành phố Arish, Đông Bắc Ai Cập, ngày 8/4. Ảnh: Ludovic Marin/AFP.

Ông Saar cho rằng, những động thái như vậy sẽ không mang lại hòa bình, an ninh và ổn định cho khu vực.

Cho đến nay, Palestine đã được 147 trong số 193 thành viên LHQ công nhận là một quốc gia có chủ quyền, bao gồm 9 trong số 27 thành viên Liên minh châu Âu.

Chỉ riêng năm ngoái, đã có gần chục quốc gia mới gia nhập danh sách này, bao gồm: Armenia, Slovenia, Ireland, Na Uy, Tây Ban Nha, Bahamas, Trinidad và Tobago, Jamaica và Barbados.

Pháp từ lâu đã ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine và duy trì chính sách này, sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của phong trào kháng chiến Hồi giáo Palestine Hamas vào miền Nam Israel.

Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Berlin hồi tháng 5/2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông hoàn toàn sẵn sàng công nhận nhà nước Palestine, nhưng điều đó cần phải diễn ra vào một thời điểm “hữu ích”.

leftcenterrightdel
 Ông Macron tại kho hàng nhân đạo cho Gaza của Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Ai Cập. Ảnh: EmmanuelMacron.

Ông Macron nhắc lại rằng, Israel có quyền tự vệ nhưng lưu ý việc này phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và luật nhân đạo.

Tổng thống Pháp bày tỏ sự phẫn nộ trước các cuộc tấn công của Israel vào Rafah giết chết nhiều người sơ tán tại đây khiến không có nơi nào an toàn cho thường dân Palestine.

Ông nhấn mạnh rằng, Pháp cũng sẵn sàng nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình và nói rằng “hành động hữu ích nhất hiện nay là ngừng bắn”.

Gần đây nhất, tại Hội nghị thượng đỉnh ba bên diễn ra ngày 7/4 tại Cairo, có sự tham dự của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi và Quốc vương Jordan Abdullah II, cá nhân ông Macron cũng như tuyên bố chung ba bên phản đối mạnh mẽ mọi hành động cưỡng bức di dời người Palestine ở Gaza, hoặc việc sáp nhập bất kỳ vùng lãnh thổ nào của người Palestine.

leftcenterrightdel
Tổng thống Pháp Macron (bên phải),  Tổng thống Ai Cập el-Sissi (giữa) và Quốc vương Jordan Abdullah II tại Hội nghị thượng đỉnh Cairo, ngày 7/4. Nguồn: EmmanuelMacron.

Ngày 8/4, khi thăm kho hàng viện trợ nhân đạo cho Gaza của Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Ai Cập ở thành phố Arish, ông Macron bày tỏ bức xúc khi gần 1.000 xe tải chở hàng cứu chợ của tổ chức này đang kẹt tại cửa khẩu Rafah, trong khi hơn 2 triệu người bị Palestine mắc kẹt trong vùng xung đột, không được tiếp cận hàng viện trợ và sự hỗ trợ cần thiết.

Ông cũng bức xúc trước thực tế hàng chục ngàn người chết ở Gaza, nơi có rất nhiều người thương tích và trẻ mồ côi do chiến tranh.

“Tình hình nhân đạo ở Gaza là không thể chấp nhận được. Việc nối lại viện trợ, thả con tin, ngừng bắn và con đường hướng tới hòa bình là hoàn toàn cần thiết.”, nguyên thủ quốc gia Pháp tuyên bố; lưu ý, việc hỗ trợ người dân Gaza không phải là hành vi chống lại Israel.

Văn Phong (theo Aljazeera)