Nếu Nga nhận được sự đồng ý với đề xuất gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và thấy được ý muốn chân thành của các đối tác, thì quá trình xích lại gần nhau sẽ bắt đầu và việc gia nhập liên minh có thể diễn ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong cuộc phỏng vấn kéo dài 2 giờ hôm 8/2 với nhà báo Mỹ Tucker Carlson, gồm nhiều chủ đề khác nhau.
Tại phiên họp toàn thể của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai, ông Putin nhớ lại việc ông từng đưa ra đề xuất để Nga gia nhập NATO, nhưng phía liên minh đã từ chối.
Nhà lãnh đạo Nga bày tỏ quan điểm cho rằng, nguyên nhân là do lợi ích địa chính trị của tập thể phương Tây và “thái độ ngạo mạn” của họ đối với nước khác.
Trong cuộc phỏng vấn với đạo diễn và nhà biên kịch nổi tiếng người Mỹ Oliver Stone, Tổng thống Putin nói rõ rằng, ông đã nêu vấn đề này trong cuộc gặp với cựu lãnh đạo Mỹ Bill Clinton.
|
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc phỏng vấn ngày 8/2 với nhà báo Mỹ Tucker Carlson. Nguồn: Tuckercarlson.com/Sputnik. |
“Nếu ông ấy nói đồng ý, quá trình xích lại gần nhau sẽ bắt đầu, và cuối cùng điều này có thể xảy ra nếu chúng tôi nhận thấy mong muốn chân thành của các đối tác để thực hiện việc này. Nhưng mọi chuyện không kết thúc như vậy. Ừ, không thì không, thế cũng được, tốt thôi.”, ông Putin nói khi đáp lại câu hỏi, liệu Nga có gia nhập NATO hay không nếu nhận được câu trả lời khẳng định.
Khi được hỏi liệu ông Putin có chân thành khi đặt câu hỏi này hay không, người đứng đầu Điện Kremlin trả lời rằng, ông thành thật “trong mong muốn tìm hiểu vị thế lãnh đạo” của Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton ban đầu gọi khả năng Nga gia nhập NATO là một ý tưởng thú vị và nói rằng, ông nghĩ điều đó là có thể, nhưng sau khi nói chuyện với đội ngũ của mình thì ông lại nói rằng việc đó bây giờ là không thể.
|
|
Phần trả lời phỏng vấn của ông Putin về chủ đề Nga gia nhập NATO |
“Tôi trở thành Tổng thống vào năm 2000. Tôi nghĩ, được rồi, thế là xong, vấn đề Nam Tư đã qua, chúng ta cần cố gắng khôi phục quan hệ, đằng nào cũng phải mở cánh cửa mà Nga định đi qua. Hơn thế nữa, tôi đã nói về điều đó một cách công khai, tôi có thể nhắc lại, tại cuộc gặp ở Điện Kremlin với Bill Clinton, người sắp rời bỏ chức vụ - ngay ở cạnh đây, ở phòng bên cạnh - tôi đã nói với ông ấy, đã hỏi: Ngài Bill, ngài nghĩ sao nếu Nga đặt vấn đề gia nhập NATO, ngài nghĩ điều đó có thể không? Ông ấy nói luôn: Ngài biết đấy, điều này thật thú vị, tôi nghĩ là được. Nhưng đến chiều, khi chúng tôi gặp nhau trong bữa tối, ông ấy nói: Ngài biết đấy, tôi đã nói chuyện với người của tôi, không được, việc đó lúc này là không thể.”, ông Putin nói trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Tucker Carlson.
“Anh có thể hỏi lại ông ấy, tôi nghĩ ông ấy sẽ xem cuộc phỏng vấn của chúng ta và sẽ xác nhận nó. Tôi sẽ không bao giờ nói bất cứ điều gì tương tự nếu như không có việc này.”, ông Putin lưu ý.
|
|
Trong lịch sử, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Bill Clinton và Tổng thống Nga Vladimir Putin từng đề cập vấn đề Nga gia nhập NATO. Trong ảnh hai nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Nhật Bản ngày 21/7/2000. Ảnh: AP/Vincent Yu. |
Về chủ đề này, trong cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình The Late Show TV. Colbert vào tháng 5/2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng, trong những năm 1990, chính Nga đã từ chối đề nghị gia nhập NATO của phương Tây.
“Quay trở lại những năm 1990, vấn đề này (đề xuất của Nga trở thành một phần của NATO) đã thực sự được đưa ra thảo luận. Người Nga quyết định rằng đây không phải là điều họ muốn làm.”, ông Blinken nói.
Trước đó, khi bình luận về khẳng định Nga từng được mời tham gia liên minh, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói rằng, Mỹ đã nhiều lần lên tiếng về việc Nga không thể gia nhập NATO. Ông đã bình luận như vậy trong cột chuyên mục của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton trên tạp chí Atlantic rằng, sau khi Liên Xô sụp đổ, cánh cửa cho việc Nga có thể trở thành thành viên NATO trong tương lai được cho là vẫn còn rộng mở.
Trong một phát biểu vào năm 2000, Tổng thống Nga Putin cho biết, ông đã nói chuyện với ông Bill Clinton về thái độ của Mỹ đối với việc Nga gia nhập NATO. Theo ông, phản ứng của nhà lãnh đạo Mỹ khá kiềm chế.