Giới cầm quyền sau đảo chính ở Niger đã lệnh cho các lực lượng vũ trang nước này đặt trong tình trạng báo động tối đa trước khả năng tấn công của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS).
ECOWAS đã cố gắng đàm phán với những người lãnh đạo cuộc đảo chính ngày 26/7, nhưng cho biết sẵn sàng triển khai quân đội để khôi phục trật tự hiến pháp nếu nỗ lực ngoại giao thất bại.
Một tài liệu do người đứng đầu Quốc phòng Niger công bố được chia sẻ rộng rãi trên mạng hôm 26/8 cho biết, trạng thái sẵn sàng cao nhất sẽ cho phép các lực lượng vũ trang nước này chủ động và phản ứng đầy đủ trong trường hợp có bất kỳ cuộc tấn công nào.
“Các mối đe dọa xâm lược lãnh thổ quốc gia đang ngày càng hiện hữu.”, thông báo nói.
|
|
Biểu tình ủng hộ lực lượng đảo chính ở Niger. Nguồn: @Sprinter99800. |
ECOWAS đã hạ thấp mối đe dọa này và hôm 25/8 cho biết, họ quyết định lùi lại để đáp ứng các nỗ lực ngoại giao, mặc dù can thiệp quân sự vẫn là một trong những lựa chọn được cân nhắc.
“Để tránh sự hồ nghi, tôi tuyên bố rõ ràng rằng, ECOWAS chưa hề tuyên chiến với người dân Niger, cũng như không có kế hoạch nào như người ta cho là nhằm xâm lược đất nước này.”, Chủ tịch Ủy ban ECOWAS Omar Alieu Touray nói với truyền thông.
Quyết định của ECOWAS hồi đầu tháng 8 về việc kích hoạt lực lượng để can thiệp vào Niger đã gây lo ngại về sự leo thang có thể gây xáo trộn thêm cho khu vực Sahel đang bất ổn.
Trong khi đó, hàng nghìn người đã biểu tình ở thủ đô Niamey hôm 26/8 để ủng hộ các lãnh đạo quân sự đứng đằng sau cuộc đảo chính hồi tháng trước.
Cờ của Niger, Algeria và Nga được tung hô trên khán đài của sân vận động Seyni Kountche lớn nhất ở Niger với sức chứa 30.000 chỗ ngồi.
“Chúng tôi có quyền lựa chọn đối tác mà mình mong muốn. Pháp phải tôn trọng sự lựa chọn này. Cho đến cuộc đảo chính, trong 60 năm qua, chúng tôi chưa bao giờ độc lập.”, Ramatou Ibrahim Boubacar, người trong đám đông người biểu tình bày tỏ.
Trước đó hôm 25/8, Bộ Ngoại giao của chính quyền quân sự nắm quyền sau đảo chính ở Niger ra tối hậu thư yêu cầu Đại sứ Pháp Sylvain Itte ở Niamey có 48 giờ để rời đi; nói rằng, do ông từ chối gặp lãnh đạo nhà cầm quyền mới, cũng như viện dẫn những hành động của chính phủ Pháp là “đi ngược lại lợi ích của Niger”!.
Paris từ chối yêu cầu, nhấn mạnh, những người làm đảo chánh không có thẩm quyền.
Ngoài lực lượng Mỹ, Pháp có 1.500 binh sĩ đóng tại Niger đã hỗ trợ chính quyền của Tổng thống vừa bị lật đổ Bazoum trong cuộc chiến chống lại các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan đã hoạt động ở nước này trong nhiều năm qua.