Trong một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia hôm 2/8, tướng Abdourahamane Tchiani, chỉ huy lực lượng cận vệ của Tổng thống Niger bị lật đổ Bazoumr, cũng là người lãnh đạo cuộc đảo chính phế truất ông Bazoum ngày 26/7, đã tuyên bố sẽ không khuất phục trước áp lực phục chức cho ông Bazoum, chỉ trích các biện pháp trừng phạt do các nhà lãnh đạo Tây Phi áp đặt là “bất hợp pháp” và “vô nhân đạo”, đồng thời kêu gọi người dân sẵn sàng bảo vệ đất nước.

Phát biểu của tướng Abdourahamane Tchiani được đưa ra khi giới chức quốc phòng của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) gặp nhau ở nước láng giềng Nigeria để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Niger.

ECOWAS đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm trọng đối với Niger và cảnh báo sử dụng vũ lực nếu nhiệm kỳ Tổng thống của ông Bazoum không được khôi phục trước ngày 6/8.

Khối này cũng đã cử một phái đoàn đến Niger, do cựu lãnh đạo Nigeria, Abdulsalami Abubaka,r đứng đầu, để đàm phán với nhóm binh sĩ đang nắm quyền ở Niger.

Nhà lãnh đạo tự xưng Tchiani tuyên bố bác bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt và từ chối nhượng bộ trước bất kỳ mối đe dọa nào, bất kể từ đâu. 

“Chúng tôi từ chối bất kỳ sự can thiệp nào vào công việc nội bộ của Niger.”, tướng Tchiani tuyên bố.

leftcenterrightdel
 Nhà lãnh đạo tự xưng sau đảo chính của Niger, Abdourahamane Tchiani. Nguồn: Sprinter.

Tuyên bố cứng rắn của ông Tchiani đánh dấu sự gia tăng căng thẳng của Niger với khối ECOWAS gồm 15 quốc gia, tổ chức đang đấu tranh để ngăn chặn sự suy thoái dân chủ ở Tây Phi trong hai năm qua, bao gồm các cuộc binh biến quân sự ở các quốc gia thành viên Mali, Burkina Faso và Guinea và một nỗ lực đảo chính ở Guinea Bissau.

Hôm 2/8, tại Abuja, thủ đô của Nigeria, ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh của ECOWAS, Abdel-Fatau Musah, nói với nói với báo giới, lựa chọn quân sự là giải pháp cuối cùng, nhưng khối phải chuẩn bị cho khả năng này.

“Cần phải chứng minh rằng chúng tôi không chỉ nói mà còn có thể làm.”, ông Musah nói.

Là một phần của các biện pháp trừng phạt đối với Niger, ngày 2/8, Nigeria đã cắt điện cung cấp cho Niger, nước vốn phụ thuộc 70% năng lượng từ Nigeria.

Trong khi Ngân hàng Thế giới cũng tuyên bố tạm dừng giải ngân các nguồn tài trợ cho Niger cho đến khi có thông báo mới.

“Nhiệm vụ khôi phục chính quyền dân chủ ở Niger đứng trước vô số trở ngại và phức tạp tiềm ẩn. Các quyết định của chúng tôi sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ về cam kết của chúng tôi đối với nền dân chủ, sự không dung thứ đối với những thay đổi quyền lực vi hiến và sự cống hiến của chúng tôi cho sự ổn định khu vực.”, tướng Christopher Musa, Bộ trưởng Quốc phòng Nigeria và là người đứng đầu lực lượng quốc phòng ECOWAS tuyên bố.

leftcenterrightdel
 Không có thông báo nào cho thấy các quốc gia phương Tây rút lực lượng đồn trú khỏi Niger. Nguồn: Twitter.

Bất chấp phản ứng cứng rắn của ECOWAS, các chính phủ được quân đội hậu thuẫn trong khu vực đã ủng hộ lực lượng đảo chính ở Niger, trong đó Mali và Burkina Faso tuyên bố, bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài vào Niger sẽ được coi là một lời tuyên chiến chống lại họ.

Nga, quốc gia vốn đã tăng cường hiện diện ở Mali và Burkina Faso sau các cuộc đảo chính, kêu gọi “đối thoại quốc gia khẩn cấp” ở Niger. 

Hôm 2/8, Điện Kremlin cảnh báo, các mối đe dọa can thiệp “sẽ không giúp xoa dịu căng thẳng hay xoa dịu tình hình”.

Phương Tây đã lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính.

Nhiều quốc gia phương Tây coi Niger là đối tác tin cậy quan trọng trong nỗ lực chống lại các nhóm vũ trang có liên hệ với al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở khu vực Sahel của châu Phi, lo ngại sự bất ổn ở quốc gia này có thể tạo điều kiện cho các chiến binh Hồi giáo giành được chỗ đứng.

Trong bối cảnh căng thẳng, Mỹ, quốc gia có các căn cứ và quân đội ở Niger, tuyên bố sẽ sơ tán một số nhân viên ngoại giao không thiết yếu khỏi Đại sứ quán ở Niamey. 

Nhiều quốc gia châu Âu và đồng minh, bao gồm Pháp, Ý, Đức, Nhật Bản cũng đã ráo riết sơ tán công dân trên những chiếc máy bay quân sự. Tuy nhiên, không có thông báo nào về việc rút quân đội nước ngoài khỏi Niger.

Văn Phong/Aljazeera