Hôm 1/8, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, kế hoạch sơ tán công dân nước này khỏi Niger đang được tiến hành, vài ngày sau khi Tổng thống quốc gia Tây Phi, Mohamed Bazoum bị lực lượng cận vệ của ông phế truất.

“Xét tình hình hiện tại ở thủ đô Niamey, vụ bạo lực nhằm vào Đại sứ quán của chúng tôi vào ngày hôm kia và thực tế là không phận bị đóng cửa và công dân của chúng tôi không thể tự rời đi, Pháp đang chuẩn bị sơ tán công dân của mình và công dân châu Âu khác muốn rời khỏi Niger,” tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pháp cho biết; lưu ý, việc sơ tán sẽ bắt đầu từ hôm 1/8.

Việc lật đổ Tổng thống Niger Bazoum vào ngày 26/7, cuộc binh biến quân sự thứ bảy trong vòng chưa đầy ba năm ở Tây và Trung Phi, đã gây chấn động khắp khu vực.

leftcenterrightdel
 Lực lượng an ninh Niger giải tán những người biểu tình ủng hộ đảo chính tập trung bên ngoài Đại sứ quán Pháp, ở thủ đô Niamey, Niger, ngày 30/7.  Ảnh: Souleymane Ag Anara/Reuters.

Trong khi cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Niger và dọa khả năng sử dụng vũ lực, thì 2 nước láng giềng Burkina Faso và Mali tuyên bố, bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào từ bên ngoài vào Niger sẽ được coi là một hành động chiến tranh chống lại họ.

Ngày 30/7, những người ủng hộ cuộc đảo chính đã đốt cờ Pháp và tấn công Đại sứ quán Pháp ở thủ đô Niamey, khiến cảnh sát phải bắn hơi cay để đáp trả. 

leftcenterrightdel
 Burkina Faso và Mali tuyên bố sẽ tuyên chiến nếu các quốc gia ECOWAS do phương Tây hậu thuẫn can thiệp quân sự ở Niger. Nguồn: Twitter.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau đó tuyên bố, bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào lợi ích của Pháp ở Niger sẽ nhận được phản ứng nhanh chóng và không khoan nhượng.

Chưa rõ số công dân Pháp tại Niger hiện là bao nhiêu. Theo trang web của Bộ Ngoại giao Pháp, con số này là gần 1.200 vào năm 2022.

Cùng ngày 1/8, Ngoại trưởng Ý, Antonio Tajani cho biết, nước này sẽ bố trí một chuyến bay đặc biệt để hồi hương công dân từ Niger sau cuộc đảo chính.

leftcenterrightdel
 Pháp cùng với các nước trong liên minh Tây Phi được cho là đã ra “tối hậu thư” đòi giới chức cầm quyền mới ở Niger trong vòng một tuần phải khôi phục quyền lực của Tổng thống bị phế truất Mohamed Bazum. Nguồn: @SpriterTeam.

Ông Tajani tiết lộ, ông đã điện đàm với đại diện cấp cao của EU, Josep Borrell, để nghiên cứu một giải pháp ngoại giao nhằm bảo vệ nền dân chủ ở Niger.

Niger một thuộc địa cũ của Pháp, đã trở thành một đồng minh quan trọng của các cường quốc phương Tây đang tìm cách giúp nước này đối phó với các cuộc nổi dậy.

Quốc gia Tây Phi có một lịch sử chính trị đầy sóng gió với 5 cuộc đảo chính quân sự kể từ khi giành được độc lập vào năm 1960.

Pháp đã triển khai quân đội trong khu vực trong một thập kỷ để giúp chống lại các nhóm vũ trang thánh chiến lan rộng từ Mali, nhưng một số người dân địa phương nói, họ muốn nhà cai trị thuộc địa cũ ngừng can thiệp vào ‘công việc nội bộ’ của nước này.

Theo một số nguồn tin, tại Niger hiện có một số căn cứ quân sự của các nước phương Tây với khoảng 2.500 binh sĩ Pháp và Mỹ.

Văn Phong (theo Aljazeera)