Hôm 2/8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ thị sơ tán nhân viên không thiết yếu và các thành viên gia đình họ khỏi Niger, sau khi lực lượng quân sự Niger phế truất Tổng thống được bầu cử dân chủ Mohamed Bazoum hôm 26/7 và giam giữ ông này.

“Trước diễn biến tình hình, vào ngày 2/8, Bộ đã chỉ thị cho các nhân viên Chính phủ Mỹ không thuộc diện thiết yếu và các thành viên gia đình rời khỏi Đại sứ quán Niamey. Đại sứ quán Mỹ tại Niamey đã tạm thời cắt giảm nhân sự, đình chỉ các dịch vụ thông thường và chỉ có thể hỗ trợ khẩn cấp cho công dân Mỹ tại Niger.”, thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. 

Quyết định được đưa ra một ngày sau khi Lầu Năm Góc tuyên bố đình chỉ hợp tác an ninh với các lực lượng quân sự ở Niger, một đối tác quan trọng của Mỹ ở châu Phi. 

leftcenterrightdel
 Đại sứ quán Mỹ tại Niamey, Niger. Nguồn: pagethink

Động thái dường như nhằm ngăn chặn một cuộc rút lui hỗn loạn, như đã từng xảy ra gần đây ở Sudan và Afghanistan. 

Mỹ đã đưa ra cảnh báo đi lại cấp 4, cấp cao nhất, cảnh báo người Mỹ không nên đi du lịch đến Niger.

“Với những nỗ lực tiếp diễn nhằm đảo ngược trật tự hiến pháp, các cuộc biểu tình có thể gia tăng dẫn đến bất ổn dân sự và xáo trộn chính quyền.”, báo cáo lưu ý.

Các quan chức Mỹ nhấn mạnh, tình hình ở quốc gia Tây Phi vẫn còn biến động và những nỗ lực ngoại giao tích cực đang được tiến hành để khôi phục quyền lực cho Tổng thống Bazoum được bầu cử dân chủ.

leftcenterrightdel
 Những người ủng hộ đảo chính ở Niger tấn công trụ sở của Đảng Dân chủ và Xã hội Niger (PNDS), đảng của Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum, ở Niamey ngày 27/7. Ảnh: AFP/Getty.

Lệnh sơ tán không có nghĩa là Mỹ đóng cửa Đại sứ quán hoặc sơ tán tất cả các nhà ngoại giao khỏi Niger, các quan chức nói, cho biết, tình hình trên thực địa ở thủ đô Niamey tương đối yên bình.

Khoảng 1.100 lính Mỹ tại 2 căn cứ ở Niger, được nói chủ yếu thực hiện sứ mệnh chống khủng bố cùng với quân đội nước sở tại, được lệnh không rút quân, các quan chức Mỹ nói.

Trước đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, John Kirby cũng như phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Matt Miller, cùng cho biết, không có dấu hiệu nào về các mối đe dọa cụ thể đối với nhân viên hoặc cơ sở của Mỹ tại Niger; tuy nhiên lưu ý, Washington đang theo dõi sát tình hình để đưa ra những quyết định phù hợp.

leftcenterrightdel
 Công dân Pháp chờ được đưa về nước trên một chiếc máy bay quân sự tại sân bay quốc tế ở Niamey, Niger, ngày 1/8. Ảnh: Sam Mednick/ AP.

Hôm 1/8, ông Kirby kêu gọi người Mỹ ở Niger duy trì thận trọng và hạn chế mọi hoạt động di chuyển không cần thiết, đồng thời theo dõi các cập nhật và cảnh báo về tình hình.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ một lần nữa bày tỏ sự quan ngại trước diễn biến tình hình ở Niger, yêu cầu trả tự do ngay cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazum; cảnh báo, việc giới quân sự tiếp quản quyền lực có thể buộc Mỹ ngừng hợp tác với Chính phủ Niger trong lĩnh vực an ninh cũng như các lĩnh vực khác.

Việc lật đổ Tổng thống Niger Bazoum vào ngày 26/7, cuộc binh biến quân sự thứ bảy trong vòng chưa đầy ba năm ở Tây và Trung Phi, đã gây chấn động khắp khu vực.

leftcenterrightdel
 Căn cứ quân sự Mỹ ở Agadez,Niger. Nguồn: Twitter.

Trong khi cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Niger và dọa khả năng sử dụng vũ lực, thì 2 nước láng giềng Burkina Faso và Mali tuyên bố, bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào từ bên ngoài vào Niger sẽ được coi là một hành động chiến tranh chống lại họ.

Ngày 30/7, những người ủng hộ cuộc đảo chính đã đốt cờ Pháp và tấn công Đại sứ quán Pháp ở thủ đô Niamey, khiến cảnh sát phải bắn hơi cay để đáp trả. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau đó tuyên bố, bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào lợi ích của Pháp ở Niger sẽ nhận được phản ứng nhanh chóng và không khoan nhượng.

Trước những diễn biến khó lường ở Niger, ngày 1/8, Pháp và một số quốc gia châu Âu và Nhật Bản đã quyết định sơ tán công dân khỏi quốc gia Tây Phi.

Văn Phong (theo CNN)