Hôm 7/8, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Victoria Nuland cho biết, bà đã tiến hành các cuộc đàm phán “thẳng thắn và khó khăn” với nhà lãnh đạo quân sự Moussa Salaou Barmou và ba sĩ quan của ông này tại thủ đô Niamey, Niger. 

Nhà ngoại giao Mỹ tiết lộ, yêu cầu của bà gặp ông Mohamed Bazoum (Tổng thống Niger vừa bị lật đổ) và người đứng đầu chính phủ quân sự tự xưng Abdourahmane Tchiani, đã bị từ chối. 

Trong một cuộc họp báo qua điện thoại sau đó với các phóng viên, bà đưa ra một đánh giá không mấy khả quan về cuộc gặp với các nhà lãnh đạo quân sự.

“Họ khá kiên quyết với quan điểm của họ về cách họ muốn theo đuổi và điều đó không phù hợp với Hiến pháp của Niger. .”, bà Nuland nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đã tái khẳng định cam kết của Washington về một giải pháp thương lượng cho cuộc xung đột. Nếu các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính sẵn sàng quay trở lại trật tự hiến pháp của Niger, thì Mỹ sẵn sàng hỗ trợ điều đó.

Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác nhận đã liên lạc trực tiếp với những người lãnh đạo cuộc đảo chính và nhấn mạnh sự cần thiết phải phục chức cho ông Bazoum.

“Đã có liên hệ trực tiếp với các nhà lãnh đạo quân sự và hối thúc họ ‘bước sang một bên’.”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Matthew Miller, nói.

Ngày 26/7, lực lượng cận vệ đã phế truất Tổng thống được bầu cử dân chủ của Niger, Mohamed Bazoum, và giam giữ ông này, sự kiện gây ra sự lên án quốc tế.

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, bà Victoria Nuland. Ảnh: Alex Wong/Getty.

Tuần trước, Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Niger và đe dọa sử dụng vũ lực chống lại chính quyền mới tự xưng, một khi ông Bazoum không được khôi phục quyền lực. Nhưng hạn chót vào ngày 6/8 đã qua đi mà không có bất kỳ diễn biến quân sự nào từ ECOWAS.

Người đứng đầu chính quyền quân sự mới ở Niger, Tchiani cáo buộc các biện pháp trừng phạt của ECOWAS là “bất hợp pháp” và “vô nhân đạo”, đồng thời bác bỏ điều mà ông gọi là can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

ECOWAS, bao gồm 15 quốc gia, sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn vào ngày 10/8 để thảo luận về cuộc khủng hoảng.

Ông Miller cho biết, Mỹ đang liên hệ chặt chẽ với ban lãnh đạo ECOWAS và đang tận dụng giải pháp ngoại giao để giúp Niger trở lại chế độ dân sự.

Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tuyên bố, Washington sẽ đình chỉ viện trợ cho Niger, ngoại trừ hỗ trợ nhân đạo, cho đến khi chính phủ được bầu cử dân chủ của nước này được khôi phục.

Theo ông Miller ước tính khoản viện trợ bị đình chỉ trị giá ít nhất 100 triệu đô la.

“Đó chỉ là tạm dừng mà chúng tôi hy vọng điều này sẽ đảo ngược. Nếu các nhà lãnh đạo quân sự ‘bước sang một bên’ và khôi phục trật tự hiến pháp vào ngày mai, thì sự tạm dừng đó sẽ không còn và hỗ trợ an ninh sẽ được khôi phục.”, ông Miller nói với báo chí.

Mỹ và các nước phương Tây khác đã cung cấp hàng trăm triệu đô la viện trợ quân sự cho Niger, cùng những hỗ trợ an ninh khác để chống lại các nhóm Hồi giáo vũ trang cực đoan, bao gồm cả Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Chính quyền đảo chính viện dẫn tình hình an ninh ngày càng xấu đi trong nước là lý do khiến họ phế truất Tổng thống Bazoum.

Văn Phong/Aljazeera