Sự cố xảy ra cùng lúc!

Hôm 27/9, mạng lưới Địa chấn Quốc gia Thụy Điển (SNSN) cho biết, các vụ nổ mạnh dưới nước đã được ghi nhận một ngày trước đó, trong khu vực rò rỉ khí đốt từ hệ thống đường ống Nord Stream (Dòng chảy Phương Bắc) dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu qua Biển Baltic.

Đáng lưu ý một vụ nổ trong số đó có cường độ tới 2,3 độ richter.

Lực lượng vũ trang Đan Mạch đã công bố đoạn video cho thấy ở vị trí rò rỉ lớn nhất, bọt nước sôi sục từ đáy biển đẩy lên mặt nước, có đường kính hơn 1 km.

Trước đó, ngày 26/9, nhà điều hành đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 AG của Nga cho biết, trên tuyến đường ống Nord Stream 2, vốn đã được nạp đầy khí kỹ thuật sau khi hoàn thành xây dựng cuối năm ngoái, ở vùng biển Đan Mạch gần đảo Bornholm đã xảy ra sự cố rò rỉ.

leftcenterrightdel
 

Tin lưu ý, trường hợp khẩn cấp xảy ra nhánh A của đường ống dẫn khí, khiến áp suất bên trong giảm mạnh. Sau đó, nhà điều hành đường ống dẫn khí Nord Stream AG báo cáo, sự giảm áp suất đã được ghi nhận trên cả hai nhánh của của Nord Stream 1.

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Đan Mạch Kristoffer Bottzauw, cảnh báo, việc khí đốt phát tán trên mặt biển gây những nguy cơ cháy nổ.

“Mặt biển chứa đầy khí mê tan, đồng nghĩa với việc có nhiều nguy cơ xảy ra các vụ nổ trong khu vực.”, ông Bottzauw nói.

Hôm 27/9, nhà điều hành Nord Stream AG tuyên bố, sự cố của đường ống dẫn khí đốt ngoài khơi Nord Stream là chưa từng có.

leftcenterrightdel
 Tuyến ống dẫn khí Nord Stream 2 trên biển Baltic ở Lubmin, Đức. Ảnh: Reuters / Fabrizio Bensch.

“Những hư hỏng xảy ra cùng ngày đồng thời trên ba nhánh ống dẫn khí đốt ngoài khơi của hệ thống Nord Stream là chưa từng có. Hiện vẫn chưa thể ước tính thời gian khôi phục cơ sở hạ tầng vận chuyển khí đốt.”, thông cáo của Nord Stream AG nói.

Hoạt động của tuyến ống Nord Stream 1 đã bị đình chỉ từ cuối tháng 8 do các vấn đề trong việc sửa chữa các tuabin do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra. Tuy nhiên, đường ống vẫn chứa đầy khí. Trong khi tuyến Nord Stream 2 chưa nhận được giấy phép vận hành.

Cơ quan Hàng hải Thụy Điển (SMA) cho biết, không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến nguyên nhân rò rỉ đường ống dẫn khí Nord Stream. Cơ quan này hiện đã cảnh báo các phương tiện lưu thông qua khu vực giữ khoảng cách an toàn 9 km đối với tàu thuyền và 1.000 m đối với máy bay, từ vị trí sự cố.

Có bàn tay phá hoại?

Với sự cố trùng hợp xảy ra gần như cùng lúc trên hai tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2, giới chức châu Âu ngờ rằng có bàn tay phá hoại và đang tiến hành điều tra vụ việc.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói, không thể loại trừ việc phá hoại. “Chúng ta đang nói về ba điểm rò rỉ và đó là lý do tại sao thật khó để tưởng tượng rằng đó là một sự ngẫu nhiên.”, bà Frederiksen nói.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cũng cho rằng sự cố là một hành động phá hoại.

“Hôm nay chúng tôi phải đối mặt với một hành động phá hoại, chúng tôi không biết tất cả chi tiết về những gì đã xảy ra, nhưng chúng tôi thấy rõ ràng rằng đó là một hành động phá hoại, liên quan đến bước leo thang tiếp theo của tình hình ở Ukraine.”, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết tại lễ khai trương đường ống mới  Baltic Pipe giữa Na Uy và Ba Lan, được cho có thể trở thành giải pháp thay thế cho tuyến Nord Stream của Nga.

“Có một số dấu hiệu cho thấy đó là phá hoại có chủ ý.”, một nguồn tin an ninh châu Âu cho biết, đặt câu hỏi, ai được hưởng lợi từ sự cố.

leftcenterrightdel
 Bong bóng khí từ vị trí rò rỉ tuyến ống Nord Stream 2 trên bề mặt Biển Baltic có đường kính hơn 1 km gần đảo Bornholm, Đan Mạch, ngày 27/9. Quân đội Đan Mạch / Reuters.

Nga đã cắt giảm việc cung cấp khí đốt cho châu Âu sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt, cũng cho rằng, có thể có hành vi phá hoại và vụ việc đã làm suy yếu an ninh năng lượng của lục địa này. 

Một quan chức cấp cao của Ukraine gọi đây là cuộc tấn công của Nga nhằm gây bất ổn ở châu Âu, mà không đưa ra bằng chứng.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov gọi đây là “tin tức rất đáng lo ngại” bởi nó ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của lục địa. 

Các đường ống Nord Stream là tâm điểm trong cuộc chiến năng lượng ngày càng leo thang giữa các quốc gia châu Âu và Moscow, vốn đã gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế lớn của phương Tây, khiến giá khí đốt tăng vọt và gây ra một cuộc săn lùng các nguồn cung cấp năng lượng thay thế

leftcenterrightdel
 Tuyến ống Nord Stream 1 ở Lubmin, Đức. Nguồn: Reuters / Hannibal Hanschke.

Gazprom (GAZP.MM), công ty do Điện Kremlin kiểm soát với độc quyền về xuất khẩu khí đốt của Nga bằng đường ống, từ chối bình luận.

Cả hai đường ống đều không bơm khí đốt đến châu Âu vào thời điểm rò rỉ được phát hiện trong bối cảnh tranh chấp về cuộc chiến ở Ukraine.

Nga đã cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Nord Stream 1 trước khi đình chỉ hoàn toàn các dòng chảy vào tháng 8, đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra khó khăn kỹ thuật. Các chính trị gia châu Âu cho rằng đó là lý do để ngừng cung cấp khí đốt.

Trong khi đường ống Nord Stream 2 song song với Nord Stream 1, đã hoàn thành từ cuối năm ngoái, vẫn chưa đi vào hoạt động thương mại. Kế hoạch sử dụng nó để cung cấp khí đốt đã bị Đức loại bỏ vài ngày trước khi Nga tiến hành hoạt động quân sự ở Ukraine vào tháng Hai.

Hôm 26/9, Cơ quan An toàn Dầu mỏ Na Uy (PSA) đã kêu gọi các công ty dầu khí cảnh giác về các máy bay không người lái không xác định bay gần các giàn khoan dầu khí ngoài khơi Na Uy, cảnh báo về các cuộc tấn công có thể xảy ra. 

Văn Phong (theo Sputnik)