Đúng như tuyên bố trước đó của hãng khí đốt Gazprom của Nga, nguồn cung cấp khí đốt qua tuyến đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) từ 10h ngày 27/7, giờ Moscow đã giảm một nửa so với trước đó, chỉ còn 31 triệu m3/ngày, bằng chưa đến 20% công suất, theo dữ liệu của nhà điều hành Nord Stream AG.
Ngày 25/7, Gazprom thông báo sẽ dừng hoạt động của một tua bin khí khác của Siemens tại trạm máy nén Portovaya (CS), một cơ sở quan trọng của Dòng chảy phương Bắc, do cần gửi tua bin đi bảo trì theo lịch trình.
Vào giữa tháng 6, tập đoàn năng lượng hàng đầu của Nga Gazprom đã cắt giảm lượng nhiên liệu cung cấp qua các tuyến đường ống Nord Stream 1 còn khoảng 40% công suất, được nói do sự chậm trễ trong việc tiếp nhận lại một tua bin Siemens của trạm bơm khí Portovaya sau khi gửi đi bảo trì.
Nord Stream 1 nối lại hoạt động vào ngày 21/7 sau thời gian bảo dưỡng kỹ thuật theo lịch trình, nhưng vào ngày 25/7 Gazprom thông báo sẽ dừng vận hành một tua bin khác, do đó lượng cung cấp qua đường ống từ ngày 27/7 sẽ ở mức tối đa 33 triệu mét khối/ngày, tức là giảm xuống còn 20 % so với công suất định mức.
|
|
Từ 10h ngày 27/7, lượng khí đốt chảy qua đường ống Nord Stream 1 từ Nga sang châu Âu chỉ còn tối đa 33 triệu m3/ngày, bằng 20% công suất đường ống. Ảnh: AFP. |
Việc cắt giảm nguồn cung cấp và tạm dừng hoạt động của Nord Stream 1 để bảo trì đã khiến tình hình thiếu khí đốt ở châu Âu trở nên trầm trọng hơn. Đức và Áo buộc phải rút nhiên liệu khỏi các kho dự trữ trong một số ngày để sử dụng.
Giá khí đốt trên sàn giao dịch hôm 19/7 lần đầu tiên đã vượt mốc 2.200 USD/một nghìn m3 kể từ đầu tháng 3 và vẫn đang tiếp tục tăng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã giải thích chi tiết về tình hình Nord Stream 1 trong điều kiện bị áp đặt lệnh trừng phạt. Ông lưu ý rằng, ở chế độ bình thường, 6 tua bin do Siemens sản xuất được sử dụng để cung cấp khí đốt qua đường ống, bao gồm 1 tua bin ở chế độ chờ, nhưng hiện tại chỉ vận hành hai tổ máy. Tuy nhiên, hiện nay thực tế chỉ có một tua bin đang hoạt động, còn tua bin thứ hai vẫn ở Đức cho đến khi Gazprom nhận được đủ hồ sơ tài liệu về nó.
Trong khi châu Âu cho rằng, các vấn đề liên quan đến tua bin không thể là lý do thực sự khiến nguồn cung cấp nhiên liệu giảm sút. Moscow đã nhiều lần nói, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã ảnh hưởng đến việc sửa chữa các tổ máy bơm nén khí.
Trong tình huống hiện nay, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden lo ngại tình trạng thiếu khí đốt do nguồn cung từ Nga giảm có thể làm suy yếu sự thống nhất của Liên minh châu Âu chống lại Moscow.
Trong tuần này, Washington dự định thảo luận với châu Âu về các cách thức tăng cường sản xuất điện hạt nhân. Đặc biệt, Mỹ hy vọng có thể thuyết phục chính phủ Đức hoãn kế hoạch loại bỏ dần việc sử dụng năng lượng hạt nhân và kéo dài thời gian hoạt động của ba nhà máy điện hạt nhân.