Hôm 26/3, truyền thông Nga dẫn tuyên bố một ngày trước đó của Tổng thống nước này Vladimir Putin, nói, Moscow sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.

Theo tuyên bố, vào đầu tháng 7, Nga sẽ hoàn thành việc xây dựng một cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Moscow và Minsk đã đồng ý không vi phạm nghĩa vụ quốc tế và sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật.

“Từ ngày 3/4, chúng tôi bắt đầu huấn luyện các ê-kíp. Và vào ngày 1/7, chúng tôi sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở lưu trữ đặc biệt cho vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus.”, ông Putin nói, nhấn mạnh, Nga đã giúp Belarus tái trang bị máy bay (có khả năng mang vũ khí hạt nhân).

leftcenterrightdel
 Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko theo dõi cuộc diễn tập phóng tên lửa đạn đạo trong khuôn khổ cuộc tập trận của lực lượng răn đe chiến lược, tại Moscow, Nga ngày 19/2/2022. Ảnh: Sputnik/Aleksey Nikolskyi/Kremlin/Reuters.

Ngoài ra, Nga cũng đã chuyển giao tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander có khả năng hạt nhân cho quốc gia đồng minh láng giềng.

Theo nhà lãnh đạo Nga, lý do cho động thái như vậy xuất phát từ tuyên bố của Anh về việc cung cấp cho Ukraine đạn uranium nghèo.

Ông Putin lưu ý, Belarus từ lâu đã yêu cầu đặt vũ khí hạt nhân của Nga trên lãnh thổ của mình. Và, Moscow đang làm những gì Mỹ đã làm trong nhiều thập kỷ.

Theo Reuters, sự kiện đánh dấu lần đầu tiên kể từ giữa những năm 1990, Moscow sẽ bố trí vũ khí hạt nhân bên ngoài đất nước.

leftcenterrightdel
 Binh sĩ Nga nạp tên lửa cho Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M. Ảnh: Dmitry Rogulin / TASS.

Cùng ngày, Mỹ đã đưa ra phản ứng thận trọng với tuyên bố từ Điện Kremlin. Một quan chức chính quyền cấp cao lưu ý, Nga và Belarus đã nói về một thỏa thuận như vậy trong năm qua; tuy nhiên cho biết, không có dấu hiệu nào cho thấy Moscow có kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân.

“Chúng tôi không thấy bất kỳ lý do gì để điều chỉnh tư thế hạt nhân chiến lược của mình, cũng như không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.”, quan chức này nói.

Chuyên gia Hans Kristensen, giám đốc Dự án thông tin hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, cảnh báo, trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine, khả năng tính toán sai hoặc hiểu lầm là cực kỳ cao. Chia sẻ vũ khí hạt nhân khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn và có nguy cơ gây ra những hậu quả nhân đạo thảm khốc

Các chuyên gia lưu ý, sự phát triển này rất đáng lưu tâm, bởi cho đến nay Nga vẫn tự hào rằng, không giống như Mỹ, nước này không triển khai vũ khí hạt nhân bên ngoài biên giới của mình.

Văn Phong/Sputnik, Reuters