Vũ khí răn đe chiến lược

Năm 1969, chín năm sau khi Mỹ triển khai chương trình tên lửa hạt nhân chiến lược trên đường sắt, “cường quốc đường sắt” Liên Xô bắt đầu thực hiện dự án đoàn tàu hạt nhân tương tự mang tên BZhRK, do Văn phòng thiết kế Yuzhnoye ở Ukraina được giao phát triển.

Nhiệm vụ của các nhà thiết kế Liên Xô là tạo ra một đoàn tàu có thể vượt qua thiết bị của "đối phương tiềm năng" về mức độ sẵn sàng chiến đấu và khả năng sống sót.

Phải đến giữa những năm 1980, các thử nghiệm đầu tiên của đoàn tàu hạt nhân ở Liên Xô mới được thực hiện với tên lửa nhiên liệu rắn RT 23 UTTKh (tên mã NATO là SS-24 Scalpel).

leftcenterrightdel
Đoàn tàu hạt nhân được thiết kế cơ bản giống như đoàn tàu hàng container thông thường. Ảnh: Sputnik. 

Vào tháng 10/1987, tổ hợp tên lửa đường sắt BZhRK đầu tiên đã được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Đến năm 1999, Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga đã triển khai ba sư đoàn tên lửa được trang bị những tổ hợp như vậy.

Đoàn tàu với mô hình tên lửa được ngụy trang như một tàu chuyên container lạnh chở hàng với lực kéo diesel và biên chế 70 quân nhân mỗi đoàn tàu, bao gồm cả tổ lái. 

Tên lửa RT-23UTTKH Molodets của đoàn tàu hạt nhân chứa 10 đầu đạn hạt nhân với tầm bắn hơn 10.000 km. Vũ khí có khả năng phá hủy mấy siêu thành phố qua một loạt bắn. sức mạnh của nó từng khiến NATO khiếp sợ.

Buông bỏ

Sau sự sụp đổ của Liên Xô, các cuộc tuần tra chiến đấu của đoàn tàu hạt nhân đã bị hủy bỏ. Theo Hiệp ước START-2 năm 1993, Nga đã loại bỏ các tên lửa RT-23UTTKh và các đoàn tàu hạt nhân.

Mặc dù vào đầu những năm 2000, Nga đã rút khỏi hợp hiệp ước không có lợi này, nhưng, gần như tất cả 12 đoàn tàu BZhRK Molodets đã bị tháo dỡ và xử lý, các đầu máy được chuyển giao cho Tập đoàn Đường sắt Nga (RZhD). Năm 2005, các đoàn tàu tên lửa cuối cùng đã ngừng hoạt động.

Một số đoàn tàu đã trở thành vật trưng bày tại bảo tàng ở St. Petersburg và ở Togliatti (vùng Volga). Hướng ưu tiên trong quân đội Nga là các hệ thống tên lửa di động trên khung gầm có bánh xe, cơ động, linh hoạt và chi phí thấp. Ngoài ra, Nga cũng e ngại bởi tổ hợp này đã được chế tạo ở "nước ngoài" – Ukraina, quốc gia đang đi theo đường lối thân phương Tây.

Việc buông bỏ đoàn tàu hạt nhân còn bởi những hạn chế nguy hiểm của nó.

leftcenterrightdel
Đoàn tàu hạt nhân thời Liên Xô từng là nỗi khiếp sợ đối với Mỹ và Phương Tây. Ảnh: Arkebuzir/Twitter .

Với phi đạn khổng lồ dài hơn 20 m và nặng hơn 104 tấn, trọng lượng tên lửa và bệ phóng lên tới khoảng 200 tấn. Do tải trọng quá lớn, đường ray buộc phải được tăng cường. Toa xe được đặt trên 8 đôi bánh thay cho 4 đôi bánh theo tiêu chuẩn. Đoàn tàu chỉ có 17 toa so với đoàn tàu chở hàng thông thường là 50 toa, tuy nhiên do sức nặng, nó lại phải bố trí tới 3 đầu kéo.

Sự bất thường về cấu trúc chính là “gót chân Asin” khiến đoàn tàu hạt nhân có thể bị đối phương nhận diện.

Ngoài ra, theo chuyên gia vũ khí chiến lược Nga Vladimir Evseev, mỗi đợt phóng tên lửa RT-23UTTKh làm cho đường ray bị biến dạng, đoạn đường bị sụt lún có độ sâu 1,5 m có thể khiến đoàn tàu trật đường ray. Trong một thử nghiệm, một số bệ phóng và trung tâm chỉ huy của đoàn tàu phải chịu đựng sóng xung kích của vụ nổ 1.000 tấn TNT.

Các tuyến đường phải được củng cố, đó cũng là dấu hiệu khiến đối phương có thể dễn dàng lần ra tung tích các đoàn tàu Molodets. Tất cả điều này làm giảm đáng kể hiệu quả của BZhRK, vô hiệu hóa lợi thế chính của đoàn tàu hạt nhân là khó bị phát hiện.

Dự án Barguzin

Vào cuối những năm 2000 đầu những năm 2010, Nga đã công bố về sự hồi sinh có thể của tổ hợp tên lửa chiến lược đường sắt di động, như một sự đáp trả mối đe dọa của chương trình Mỹ “tấn công toàn cầu tức thời”. Dự án được đặt tên "Barguzin".

Đoàn tàu hạt nhân sẽ được trang bị các phiên bản sửa đổi của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-24 Yars (tên mã NATO - SS-27 Mod.2). Các chuyên gia lên kế hoạch đặt 3 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa với 30 đầu đạn mỗi quả có sức chứa 550 kiloton trong các toa xe. Năm 2016, Barguzin đã vượt qua giai đoạn thử nghiệm đầu tiên.  

Chuyên gia vũ khí Nga Vladimir Evseev cho rằng, việc triển khai Barguzin sẽ là một phản ứng hiệu quả đối với mối đe dọa chiến lược do việc phát triển mạng lưới căn cứ quân sự NATO gần biên giới Nga.

leftcenterrightdel
Tàu BZhRK Molodets tại Bảo tàng Đường sắt Nga ở St. Petersburg. Ảnh: Sputnik. 

“Tôi cho rằng, giới lãnh đạo Nga đã mong Mỹ cùng gia hạn hiệp ước START-3 sẽ hết hiệu lực vào đầu tháng 2/2021, nhưng giờ đây hầu như không thể hy vọng việc này. Tổ hợp phóng tên lửa trên tàu hỏa Barguzin vượt trội đáng kể so với tổ hợp Molodets thế hệ trước đó. Nếu cần thiết, BZhRK Barguzin có thể giáng đòn trả đũa hiệu quả hơn các tổ hợp mặt đất. Đây là "con át chủ bài" mà Nga có thể sử dụng nếu tình hình trở nên trầm trọng hơn.”, Vladimir Evseev nhận định.

Theo chuyên gia Nga, Barguzin có nhiều ưu điểm vượt trội về độ chính xác và tầm bắn, cũng như về những đặc điểm khác. Nhờ tên lửa nhẹ hơn, 50 tấn so với 104 tấn, cho phép bố trí gọn trong một toa xe tiêu chuẩn và có thể phóng trên bất kỳ đoạn đường sắt nào.

Theo đường sắt Nga, trong những năm tới, tổ hợp tên lửa đường sắt (CRMS) có thể bắt đầu lăn bánh, mang theo trong các toa xe những chiếc "tủ lạnh" đặc biệt, sẵn sàng phóng ra tên lửa liên lục địa với đầu đạn hạt nhân. 

Theo chuyên gia Nga, nước này cố gắng hữu hảo với phương Tây nhưng rốt cục không đạt hiệu quả, trong khi rủi ro địa chính trị lại quá cao. Kết cục là mặc dù tình hình kinh tế khó khăn, Matxcơva buộc  phải trở lại với công thức Xô-viết về đảm bảo an ninh của đất nước, có đổi mới tư duy ở trình độ công nghệ hiện đại hơn. Một sản phẩm trong số đó sẽ là "đoàn tàu Ngày Phán xử cuối cùng" của nước Nga.

Trong khi Mỹ vẫn triển khai các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa NMD xung quanh Nga, Matxcơva bắt buộc phải có các biện pháp tự vệ, tái tạo hệ thống phóng tên lửa đạn đạo chiến lược đường sắt mà phương Tây gọi là "đoàn tàu tử thần" hoặc "tàu ma".

Huy Anh