Trả lời phỏng vấn Sputnik mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói, Moskva cho đến nay vẫn chưa nhận được tín hiệu từ phía Washington về ý định gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3). Mặc dù không còn nhiều thời gian, nhưng Washington chưa tuyên bố liệu họ có ý định gia hạn START-3 hay không. Mỹ có lẽ sẽ quyết định không gia hạn hiệp ước.

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố mong muốn xây dựng một thỏa thuận hạt nhân ba bên mới giữa Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ, tuy nhiên Bắc Kinh đã khước từ.

Ông Sergei Ryabkov bày tỏ, cơ hội gia hạn START-3 đang giảm dần xuống mức bằng con số không.

leftcenterrightdel

Vũ khí hạt nhân chiến lược Mỹ. Nguồn: Keystone, Brendan Smialowski/Getty.

START-3 được ký năm 2010, hiện là hiệp ước hạn chế vũ khí duy nhất còn hiệu lực giữa Nga và Hoa Kỳ, sẽ hết hạn vào tháng 2/2021. Phía Nga đã nhiều lần tuyên bố ở cấp cao nhất rằng, Nga sẵn sang gia hạn thỏa thuận hiện có mà không cần điều kiện tiên quyết nào.

Trước phát biểu của ông Trump, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov kêu gọi các bộ trưởng ngoại giao hai nước nên “sốt sắng”cho các đàm phán gia hạn.

Trả lời câu hỏi, liệu Nhà Trắng có rút khỏi hiệp ước này như đã xảy ra với Hiệp ước Bầu trời mở hay không, ông Robert O'Brien, cố vấn của Nhà Trắng về an ninh quốc gia cho biết, ông không nghĩ như vậy.

leftcenterrightdel
Nga bày tỏ thiện chí với Mỹ về mong muốn gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược. Nguồn: REUTERS/ Host Photo Agency/RIA Novosti. 

"Tôi không nghĩ như vậy. Chúng tôi đã tập hợp được một đội ngũ đàm phán rất mạnh, Tổng thống đã chọn một phái viên đứng đầu đội này, đó là ông Marshall Billingslea, chúng tôi có những đại diện từ Bộ Năng lượng, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, những người đang chuẩn bị cho cuộc đàm phán với Nga. Chúng tôi sẽ tiến hành đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân. Chúng tôi cho rằng điều này rất quan trọng", ông Robert O'Brien nói trên kênh truyền hình Fox News.

Theo ông Robert O'Brien, Hoa Kỳ muốn để Trung Quốc tham gia hiệp ước, nhưng trước tiên sẽ bắt đầu đàm phán với Nga.

"Người Nga muốn kiểm soát vũ khí toàn diện, chúng tôi cũng muốn kiểm soát vũ khí toàn diện. Vì vậy, tôi lạc quan một cách thận trọng rằng chúng tôi sẽ bắt đầu tiến lên phía trước trong vấn đề hiệp ước START-3", ông Robert O'Brien nói thêm.

Củng cố thêm thiện chí từ phía Nga, hôm thứ Tư, 3/6, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov, nhấn mạnh, Nga sẽ không bao giờ là bên khởi xướng sử dụng vũ khí hạt nhân. Điều này đã được quy định trong các nguyên tắc cơ bản của chính sách nhà nước Nga trong lĩnh vực răn đe hạt nhân được Tổng thống Nga Vladimir Putin phê duyệt hôm thứ Ba, 2/6.

leftcenterrightdel

Đội hình tên lửa hạt nhân chiến lược liên lục địa Dongfeng-41, Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố mong muốn xây dựng một thỏa thuận hạt nhân ba bên mới giữa Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ, tuy nhiên Bắc Kinh đã khước từ. Ảnh CNS / Weng Qiyu, Reuters.

Người phát ngôn của Kremlin nói thêm, một số yếu tố của chiến lược này đã được công bố trước đó, với các tuyên bố ở nhiều cấp độ khác nhau bởi các chuyên gia và quan chức cấp cao.

"Bây giờ, toàn bộ tài liệu đã được công bố, quy định chính xác những tình huống có thể buộc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Nga sẽ không bao giờ là bên khởi xướng sử dụng vũ khí hạt nhân", ông Peskov nói với các phóng viên.

Tài liệu được ký bởi Tổng thống Nga thay thế một văn bản tương tự được phê duyệt 10 năm trước. Không giống như người tiền nhiệm, tài liệu mới đã được công bố trên cổng thông tin pháp lý chính thức. Chiến lược mới xác nhận rằng, chính sách của nhà nước Nga trong lĩnh vực răn đe hạt nhân có tính chất phòng thủ.

Huy Anh