Hôm 22/11, tại nhà máy đóng tàu Baltic ở St. Petersburg, Nga đã tổ chức hạ thủy tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân Yakutia và thượng cờ tàu phá băng Ural, vốn được hạ thủy tháng 5/2019, sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 12.
Đây là tàu thứ 3 và thứ 4 của mẫu tàu Type-22220, dài 173,3 m, lượng giãn nước 33.540 tấn, thuộc lớp tàu phá băng mạnh nhất thế giới, có thể di chuyển qua lớp băng dày tới 3 m.
Tàu Yakutia được cho trị giá 1,4 tỉ bảng Anh (gần 1,7 tỉ USD) sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024.
|
|
Tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân Yakutia trong lễ hạ thủy. Ảnh: Igor Russak/Reuters. |
Tham dự sự kiện qua liên kết video trực tuyến từ Điện Kremlin, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, việc bổ sung 2 tàu phá băng là một phần tiếp theo của dự án quy mô lớn để tái trang bị và bổ sung hạm đội tàu phá băng hạt nhân, nhằm củng cố vị thế của Nga như một cường quốc Bắc Cực.
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, những tàu phá băng như vậy có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, ngoài ra, đảm bảo duy trì hoạt động hàng hải quanh năm ở Tây Bắc Cực.
|
|
Tàu phá băng Yakutia trong quá trình xây dựng, ngày 18/6/2016. Nguồn: @DailyMirro. |
Người đứng đầu Điện Kremlin cam kết tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạm đội tàu phá băng hạt nhân của đất nước như mục tiêu đã đặt ra, với việc sử dụng các thiết bị và linh kiện trong nước, bất chấp những khó khăn hiện tại của nền kinh tế Nga.
Hai tàu phá băng khác trong cùng mẫu, Arktika và Sibir, đã được đưa vào sử dụng, và một chiếc khác, Chukotka, được lên kế hoạch ra mắt vào năm 2026.
Trong khi Tổng thống Putin cũng tiết lộ, tàu phá băng hạt nhân siêu mạnh Rossiya dài 209 m, lượng giãn nước lên tới 71.380 tấn, sẽ được hoàn thành vào năm 2027. Nó có thể phá vỡ lớp băng dày 4 m.
|
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự sự kiện qua liên kết video trực tuyến, từ Điện Kremlin. Ảnh: Igor Russak /Reuters. |
Đến năm 2035, ông Putin cho biết, hạm đội Bắc Cực của Nga sẽ vận hành ít nhất 13 tàu phá băng hạng nặng, 9 trong số đó sẽ chạy bằng lò phản ứng hạt nhân.
“Việc phát triển hành lang giao thông quan trọng nhất này sẽ cho phép Nga khai thác triệt để hơn tiềm năng xuất khẩu và thiết lập các tuyến hàng hải hiệu quả, bao gồm cả tuyến đến Đông Nam Á.”, ông Putin nói, nhấn mạnh, các tàu phá băng lớn như vậy cần thiết cho việc nghiên cứu và phát triển Bắc Cực, để đảm bảo hoạt động hàng hải an toàn, bền vững trong khu vực, mặt khác tăng cường giao thông dọc theo tuyến đường biển phía Bắc đất nước.
|
|
Ural và Yakutia là tàu thứ 3 và thứ 4 của loạt tàu dự án Type-22220, những tàu phá băng hạt nhân vào loại lớn nhất thế giới. Ảnh: Igor Russak /Reuters. |
Tan băng do biến đổi khí hậu đang mở ra các tuyến đường biển mới ở Bắc Cực, nơi có nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào, trong đó Nga có một nhà máy khí hóa lỏng trên Bán đảo Yamal, Tây Bắc Siberia.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính, Bắc Cực có trữ lượng dầu khí tương đương 412 tỉ thùng dầu, chiếm khoảng 22% trữ lượng dầu khí chưa được khai phá của thế giới.
Nga đã âm thầm tăng cường sự hiện diện ở Bắc Cực, nơi nước này có hơn 24.000 km đường bờ biển, kéo dài từ biển Barents đến biển Okhotsk.
Kể từ năm 2005, Nga đã mở lại hàng chục căn cứ quân sự ở Bắc Cực từ thời Liên Xô, hiện đại hóa hải quân và phát triển các tên lửa siêu thanh mới được thiết kế để vượt qua các cảm biến và hệ thống phòng thủ của Mỹ.
Các chuyên gia về Bắc Cực cho biết, để cạnh tranh với Moscow, phương Tây sẽ mất ít nhất 10 năm để bắt kịp quân đội Nga trong khu vực.