Đề cập gói vũ khí mới sẽ cung cấp cho Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Washington sẽ không gửi cho Kyiv các hệ thống tên lửa có thể vươn tới Nga.
"Chúng tôi sẽ không gửi đến Ukraine các hệ thống tên lửa có thể vươn tới Nga.”, ông Biden nói với truyền thông hôm 30/5.
Sputnik dẫn phát biểu của Trưởng phái đoàn thường trực Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield nói với báo giới, Washington cung cấp vũ khí cho Ukraina để tự vệ, chứ không phải để tấn công vào lãnh thổ Nga.
"Ngay từ đầu chúng tôi đã tuyên bố rõ ràng, chúng tôi sẽ cung cấp cho Ukraina vũ khí để họ tự vệ trước hoạt động quân sự của Nga, để bảo vệ trong biên giới của họ. Chúng tôi không cung cấp vũ khí để Ukraine tấn công Nga từ lãnh thổ của mình. Tổng thống Biden đã nói rõ ràng rằng, chúng tôi sẽ không trở thành một bên tham gia cuộc chiến, nhưng chúng tôi sẽ ủng hộ những nỗ lực của Ukraine trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của họ.", bà Thomas-Greenfield nói.
Trước đó, truyền thông Mỹ cho rằng, chính quyền của Tổng thống Biden đang chuẩn bị gửi các hệ thống tên lửa tầm xa tiên tiến tới Kyiv, theo đề nghị của nước này để ngăn chặn bước tiến của Nga ở Donbas, đặc biệt ở Sievierodonetsk, thành phố lớn duy nhất trong khu vực thuộc quyền kiểm soát của Ukraine, chỉ cách biên giới với Nga 145 km về phía nam.
|
|
Hệ thống pháo phản lực phóng loạt M271 MLRS của Mỹ. Nguồn: goodfon. |
Các quan chức Mỹ không tiết lộ giá trị gói viện trợ quân sự mới là bao nhiêu, nhưng đây sẽ là gói thứ 11 được thông qua cho đến nay, và sẽ là gói đầu tiên trong khoản hỗ trợ 40 tỉ USD vừa được Quốc hội nước này thông qua
Các quan chức Ukraine đang cố gắng tìm kiếm những vũ khí tầm xa hơn, như hệ thống Pháo phản lực phóng loạt (MLRS), có thể bắn một loạt tên lửa cách xa hàng trăm dặm. Giới chức Mỹ cho biết, Washington dự kiến sẽ gửi cho Ukraine một số hệ thống tên lửa tầm trung, công nghệ cao, có tầm bắn khoảng 70km.
Kế hoạch của Mỹ cố gắng đạt được sự cân bằng giữa mong muốn giúp Ukraine chống lại lưới lửa pháo binh dữ dội của Nga, trong khi không cung cấp vũ khí có thể cho phép Kyiv tấn công các mục tiêu nằm sâu bên trong nước Nga, điều có thể gây leo thang xung đột.
Trong khi đó, CNN dẫn thông tin từ Nhà Trắng cho biết, chính quyền của Tổng thống Biden vẫn đang xem xét việc gửi các hệ thống tên lửa tầm xa hơn, trong gói vũ khí mới cung cấp cho Ukraine, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 1/6 (giờ Washington), nhưng không muốn chúng được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga.
“Chúng tôi tiếp tục xem xét một loạt hệ thống có tiềm năng phát huy hiệu quả trên chiến trường cho các đối tác Ukraine. Nhưng quan điểm của Tổng thống là chúng tôi sẽ không gửi tên lửa tầm xa để sử dụng bên ngoài chiến trường ở Ukraine.”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết hôm 31/5.
Trước đó hôm 27/5, truyền thông Mỹ dẫn các nguồn tin địa phương nói, Washington đã chấp thuận gửi các hệ thống tên lửa tầm xa tới Ukraine.
Các hệ thống được đề cập bao gồm Hệ thống rocket dẫn đường phóng loạt (M31 GMLRS), tầm bắn từ 70 - 500 km tùy theo loại đạn; Hệ thống pháo phản lực cơ động cao đặt trên xe bánh lốp (HIMARS).
Moscow đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không nên gửi hỏa lực tầm xa cho Ukraine. Điện Kremlin cho biết, hôm 28/5, ông Tổng thống Nga Putin đã tổ chức một cuộc điện đàm kéo dài 80 phút với các nhà lãnh đạo Pháp và Đức, trong đó cảnh báo chống lại việc các quốc gia phương Tây tiếp tục chuyển giao vũ khí cho Ukraine.
Hôm 30/5, bình luận về khả năng Mỹ cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev, tuyên bố, trong trường hợp các thành phố của Nga bị tấn công, Moscow sẽ giáng đòn đáp trả vào các điểm ra quyết định.