Các quan chức cấp cao của Mỹ đã tới Venezuela hôm 5/3 để gặp chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro, khi chính quyền Biden đẩy mạnh nỗ lực tách Nga khỏi các đồng minh còn lại trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine bế tắc.
Đây được cho là chuyến thăm cấp cao nhất của giới chức Washington tới Caracas trong nhiều năm.
Mỹ đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Venezuela và đóng cửa đại sứ quán ở Caracas vào năm 2019, sau khi cáo buộc nhà lãnh đạo Maduro gian lận bầu cử.
Chính quyền của Tổng thống Trump sau đó đã cố gắng lật đổ chính phủ của ông Maduro bằng cách trừng phạt nhắm vào hoạt động xuất khẩu dầu của Venezuela, nguồn thu ngoại tệ chính của nước này, đồng thời công nhận lãnh đạo phe đối lập, Juan Guaido, là “Tổng thống hợp pháp” của Venezuela.
|
|
Venezuela nằm trong nhóm các nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Nguồn: CIA World Factbook. |
Đối phó với các lệnh trừng phạt, chính quyền của Tổng thống Maduro đã tìm kiếm sự trợ giúp kinh tế và ngoại giao từ Nga, Iran và Trung Quốc.
Xung đột Nga - Ukraine đã khiến Mỹ lưu tâm đến các đồng minh của Nga ở Mỹ Latinh, mà theo Washington, có thể trở thành mối đe dọa an ninh nếu quan hệ Caracas - Moscow ngày càng thắt chặt.
Trong lúc nền kinh tế Nga suy thoái, Mỹ đang nắm bắt cơ hội để thúc đẩy các chính sách ở Mỹ Latinh.
Khi Mỹ và các đồng minh bắt đầu xem xét khả năng áp đặt lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô và khí đốt của Nga liên quan đến vấn đề Ukraine, lưỡng đảng chính trị lớn ở Mỹ cùng nhìn nhận, Venezuela chính là một sự thay thế tiềm năng.
|
|
Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Venezuela sau khi nhà lãnh đạo Maduro tái đắc cử vào năm 2018. Ảnh: AP. |
Một số nguồn tin nói, Venezuela đang đưa ra tín hiệu cho thấy mong muốn tái hợp tác với Mỹ trong vấn đề dầu mỏ. Theo truyền thông Mỹ, nhà lãnh đạo Venezuela tỏ ra cởi mở khi thảo luận về các thỏa thuận dầu mỏ với Mỹ. Trong một bài phát biểu hôm 3/3, ông Maduro nói, dầu của Venezuela có sẵn cho bất kỳ ai.
Cựu dẫn chương trình Fox Business, Trish Regan, đã kêu gọi Washington liên minh với Venezuela để loại bỏ dầu của Nga khỏi thị trường Mỹ.
Venezuela có trữ lượng dầu mỏ vào loại lớn nhất và ở sát cạnh Mỹ, nhưng Washington lại để rơi vào tay các đối thủ của mình, Trish Regan viết trên Twitter.
Trước khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Venezuela, hầu hết dầu mỏ của nước này (chiếm khoảng 96% doanh thu) đã được gửi đến vùng duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ, nơi có các nhà máy lọc dầu được xây dựng chuyên để chế biến các loại dầu thô nặng của Venezuela.