JustAnswer, một công ty nền tảng công nghệ có trụ sở tại San Francisco, Mỹ đang hợp tác với Ukraine trong dự án “Ukraine Iron Dome”, trong nỗ lực giúp nước này xây dựng hệ thống phòng không ‘Vòm sắt’ của riêng mình.
Giám đốc điều hành JustAnswer, Andy Kurtzig, cho rằng, công nghệ phòng không hiện tại của Ukraine lạc hậu và chậm chạp, do đó ít hiệu quả đối với tên lửa hiện đại của Nga.
Ông Kurtzig cho biết, với sự hỗ trợ của JustAnswer, sau khi nâng cấp, hệ thống phòng không của Ukraine có thể nhanh hơn và chính xác hơn nhiều khi đối phó với tên lửa Nga.
Kế hoạch hợp tác bao gồm việc cải tạo một trung tâm chỉ huy của Ukraine và 45 trạm giám sát di động, nhằm cải thiện khả năng phòng không, hiện chỉ có thể bắn hạ khoảng 1/5 số tên lửa của Nga, theo MarketWatch.
|
|
Hệ thống phòng không Vòm sắt của Israel. Ảnh: IDF. |
Hồi đầu tháng, Đại sứ Ukraine tại Israel, Yevgen Korniychuk, đã yêu cầu Israel bán cho Kyiv hệ thống phòng không Vòm sắt của nước này.
Trước đó vào đầu tháng 2, truyền thông Israel tiết lộ, Tel Aviv đã ngăn chặn nỗ lực của Mỹ chuyển giao một số khẩu đội Vòm sắt, nguồn gốc từ Israel, cho Ukraine vào đầu năm 2021, do lo ngại phản ứng của Nga.
Vòm sắt là hệ thống phòng không di động tầm ngắn được phát triển bởi Rafael Advanced Defense Systems, được thiết kế để đánh chặn và phá hủy tên lửa tầm ngắn hoặc rocket bắn từ khoảng cách 4 - 70 km.
Vòm sắt cũng có hiệu quả chống lại máy bay hoạt động ở độ cao lên đến đến 10 km.
Bộ Quốc phòng Israel tuyên bố, Vòm sắt đã đánh chặn thành công 85% mục tiêu kể từ khi nó được triển khai chiến đấu năm 2011. Tuy nhiên, đó là khi hệ thống chỉ phải đối phó với số lượng nhỏ rocket bắn lẻ tẻ.